Đấu thầu vàng và cú rơi đêm 12/4

15/04/2013 04:08

Nhìn bề ngoài, có vẻ cú rơi của giá vàng cuối tuần rồi kéo theo hàng chục tỷ đồng thua lỗ. Nhưng nếu theo “đường đi nước bước” của một số tổ chức trong cuộc thì lại khác...

Đấu thầu vàng và cú rơi đêm 12/4

Nhìn bề ngoài, có vẻ cú rơi của giá vàng cuối tuần rồi kéo theo hàng chục tỷ đồng thua lỗ. Nhưng nếu theo “đường đi nước bước” của một số tổ chức trong cuộc thì lại khác...

Giới kinh doanh vàng Việt Nam có một nguyên tắc: luôn xác định tình huống rủi ro lớn nhất có thể xẩy ra, gắn với tác động của giá thế giới, với đặc thù lệch múi giờ.

Mức nào là rủi ro lớn nhất? Giá vàng thế giới có thể rơi 10% chỉ qua một đêm (theo giờ Việt Nam). Nó đã từng diễn ra trong quá khứ và không ai dám chắc sẽ không lặp lại.

Biểu đồ diễn biến giá vàng giao ngay tại thị trường New York phiên ngày 12/4 (đường màu xanh lá), ngày 11/4 (đường màu đỏ) và ngày 10/4 (đường màu xanh da trời) - Nguồn: Kitco.

Theo tìm hiểu của PV, giảm tới 10% trở thành mức tham chiếu rủi ro tối đa tại một số tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, để cân đối trạng thái ở tình huống bất khả kháng, hay sức chịu lỗ trong tầm kiểm soát. Thậm chí đây có thể còn là một tham số trong cách xác định giá đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước.

Đêm 12/4 (theo giờ Việt Nam), điều đáng sợ nhất của giới kinh doanh vàng đã diễn ra: giá vàng giao ngay tại New York giảm tới 84 USD/oz. Mức giảm đủ lớn để đặt ra tình huống xem xét nguyên tắc nói trên.

Một tính toán đơn giản, các thành viên trúng thầu phiên sáng 12/4 có tổng 40.000 lượng vàng đã khớp với Ngân hàng Nhà nước, hàng chưa về để đẩy kịp, mức lỗ có thể lên tới 40 tỷ đồng căn theo diễn biến giá trong nước mở cửa sau đó.

“Không lỗ! Chỉ có tay mơ mới lỗ!”, một cán bộ trực tiếp điều phối hoạt động mua - bán hàng ngày tại doanh nghiệp kinh doanh vàng Hà Nội nói, cũng như có vẻ bực mình khi nhận câu hỏi về khả năng lỗ sau cú rơi đêm 12/4. Tuy nhiên, người trong cuộc này từ chối giải thích cụ thể.

PV đã đặt câu hỏi tương tự với tập đoàn DOJI, một trong những thành viên thường có khối lượng trúng thầu lớn vừa qua, và bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh, cũng khẳng định là không lỗ.

Theo bà My, trong tình huống trên, doanh nghiệp thường đã tính toán, và không ai ngồi chờ lượng vàng trúng thầu về kho cùng với rủi ro biến động giá. Họ đã bán ra lượng vàng sẵn có tương ứng, tính toán theo khối lượng trúng thầu.

Khối lượng trúng thầu được tính vào năng lực tiêu thụ ngay trong ngày của hệ thống (như tại DOJI khoảng 2.000 - 3.000 lượng).

Như cơ chế đấu thầu hiện hành, Ngân hàng Nhà nước áp dụng kỳ thanh toán T+1, tức giao vàng trong vòng 1 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được tiền đặt cọc.

Khi doanh nghiệp trúng thầu, họ bán ra lượng tương ứng từ hàng sẵn có, 1 ngày sau lượng vàng trúng thầu mới về để bù lại. Thực hiện cuốn chiếu như vậy để phòng rủi ro giá xuống, bảo toàn vốn vàng để đáp ứng nhu cầu giao dịch sau đó.

Là đầu mối tổ chức giao dịch, tất yếu phải luôn có sẵn hàng, ở đây là vốn vàng tồn quỹ. Rủi ro trong “tình huống đêm 12/4” xảy ra khi doanh nghiệp lệch pha trong cân đối, lượng vàng trúng thầu lớn hơn sẵn có, hoặc tính lệch khả năng tiêu thụ. Nếu lỗ nặng, cơ chế quản lý rủi ro của họ có vấn đề, hoặc chủ quan trong tính toán đó.

Với kết quả phiên đấu thầu ngày 12/4, số phận 40.000 lượng vàng như thế nào? Phần lớn nó thuộc về các tổ chức tín dụng, dùng để tất toán trạng thái. Đây là nhu cầu bất khả kháng, buộc phải có vàng để chi trả mà không đưa vào giao dịch, nên không xét đến mức độ lỗ trực tiếp.

Còn những tổ chức tín dụng không phải để tất toán trạng thái, cách thức cuốn chiếu trên là một hướng xử lý. Như tại Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank), không có nhu cầu tất toán mà chỉ kinh doanh đơn thuần, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngoại hối và vàng, cũng khẳng định là không lỗ trong “tình huống đêm 12/4”.

Ông Tuấn cũng lưu ý rằng, khả năng thua lỗ từ tham gia đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đã được tính toán. Thực tế, qua 6 phiên đấu thầu, xu hướng giá xuống thể hiện rõ, giá thị trường thường giảm thấp hơn giá hình thành qua mỗi phiên đấu thầu liền trước. Nếu thụ động và chờ hàng trúng thầu về, không đẩy hàng ra bán trước (từ nguồn sẵn có) thì dễ bị lỗ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp khác từ chối nêu tên cũng khẳng định: “Chúng tôi không lỗ qua những phiên đấu thầu vừa qua, nhưng có thể thấy rằng khó để kiếm lời ở đây. Buôn vàng với Ngân hàng Nhà nước không phải là dễ”.

Lý do được ông giải thích, Ngân hàng Nhà nước áp giá sát với thị trường, không hạ thấp hẳn; mặt khác, nếu không linh hoạt xử lý hàng, rủi ro cung lớn dồn dập qua kênh đấu thầu là rõ ràng.

Ngoài hướng giảm thiểu rủi ro bằng cuốn chiếu hàng sẵn có gắn với hoạt động đấu thầu, có một hướng khác mà một số thành viên từ chối đề cập, “bán hàng trên giấy”.

Có thể hình dung, thành viên tham gia dự thầu không nhất thiết có sẵn lượng hàng tồn quỹ đủ để cuốn chiếu tương ứng với lượng đặt thầu.

Họ vẫn có thể đặt thầu khối lượng cao hơn, nhưng ngay sau đó bán lại cho các đầu mối cần hàng bằng thỏa thuận, chỉ “ăn” một chênh lệch nhất định. Chốt giá và khối lượng, hàng giao sau - khi lượng trúng thầu về kho, mà không vướng vào rủi ro như cú rơi đêm 12/4.

Câu hỏi là ai mua? Trong giả thiết này là tổ chức tín dụng buộc phải có đủ lượng hàng để tất toán. Vàng đến hạn phải trả cho người gửi, tránh vỡ thanh khoản thì phải mua, trong khi khối lượng đặt thầu qua mỗi phiên bị giới hạn.

Tất nhiên, ngoài tham gia đấu thầu, họ có thể đi ra mua gom “thẳng thừng” trên thị trường, nhưng chỉ cần một tín hiệu gom mua cỡ lớn, giá sẽ nhảy và rủi ro chi phí có thể sẽ lớn hơn nhiều so với “mua trên giấy”, qua thỏa thuận trước với thành viên khác.

Chung quy lại, khả năng lỗ rơi vào trường hợp không kịp bán hết hàng (từ nguồn sẵn có), chủ yếu hơn là những ai không bán ra và những ai mua lại sau đó.

Nhóm trọng tâm là các tổ chức tín dụng phải tất toán trạng thái. Lỗ chủ yếu nằm ở đây, nhưng cũng lưu ý là họ đã từng thu lãi từ sử dụng vốn vàng huy động trước đây (cho vay, chuyển đổi thành VND cho vay lãi suất cao…), nay phải mua để trả, nên không hẳn đã là lỗ nặng.

Còn phía Ngân hàng Nhà nước, họ có bị rơi vào rủi ro “tình huống đêm 12/4” hay không?

Hoạt động đấu thầu vàng miếng hiện nay gắn trực tiếp với dự trữ ngoại hối, cơ chế vận hành thuộc diện bảo mật. Nhưng, giả thiết đặt ra là sau khi bán vàng qua đấu thầu, có thể Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện mua vào lượng tương ứng qua tài khoản ở nước ngoài.

Có hai cách: một là thực hiện chốt lượng và canh tỷ lệ kỹ quý theo biến động giá - không khả thi với một cơ quan quản lý; hai là mua đứt và “treo” hàng, khi nhập về chỉ thêm một khoản chi phí nhỏ.

Giả sử sau khi bán ra 40.000 lượng phiên đấu thầu sáng 12/4, Ngân hàng Nhà nước mua đứt lượng tương ứng vào tài khoản ở nước ngoài. Cú rơi đêm 12/4 không hẳn đã gây lỗ nặng cho hoạt động mua vào, bởi họ đã bán ra trong nước trước đó với mức giá chênh đủ lớn để bù đắp.

Hay nói cách khác, có thể rủi ro lớn nhất như đề cập ở trên đã được “hạch toán” và cơ chế xác định giá đấu thầu. Nếu vậy, nó góp phần giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước không áp giá đấu thầu thật sát giá thế giới để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch như Chính phủ và Quốc hội yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đấu thầu vàng và cú rơi đêm 12/4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO