Đắt quá không, Sochi?

05/03/2014 06:18

Khi vận động viên các nước ra về, làng Olympic Sochi (Nga) trở nên vắng vẻ. Câu hỏi về việc 51 tỉ USD đầu tư cho nó và các công trình khác liên quan là lãng phí hay không có dịp được lật lại.

Đắt quá không, Sochi?

Khi vận động viên các nước ra về, làng Olympic Sochi (Nga) trở nên vắng vẻ. Câu hỏi về việc 51 tỉ USD đầu tư cho nó và các công trình khác liên quan là lãng phí hay không có dịp được lật lại.

51 tỉ USD đổ vào Sochi có tác dụng như một cuộc kích cầu lớn của Nga

Sochi là Thế vận hội mùa đông đầu tiên có công viên Olympic - nơi có 7 địa điểm tranh tài được xây dựng riêng quây thành hình vòng tròn cho thế vận hội tại một khu vực riêng. 51 tỉ USD đầu tư cho một Thế vận hội Mùa đông, thậm chí còn vượt xa Olympic Bắc Kinh 2008 với 40 tỉ USD và gấp 3 lần Olympic London 2012, đã biến Sochi 2014 trở thành Thế vận hội đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Theo ý tưởng của những nhà tổ chức Olympic Nga và cả Tổng thống Putin thì quần thể vừa xây ở Sochi không phải chỉ để phục vụ mỗi kỳ đại hội vừa qua mà sẽ được dùng sau đó, như một thành phố nghỉ dưỡng cao cấp rộng lớn của nước Nga. “Sochi sẽ trở thành khu nghỉ mát đẳng cấp thế giới”, Dmitry Chernyshenko , Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Sochi 2014, khẳng định.

Tuy nhiên, những thứ dễ phục vụ cho du khách nghỉ dưỡng sau này như khách sạn cũng không dễ bán với giá đã đầu tư. Vì không được tự thiết kế theo ý tưởng chính mình, các thương gia nếu mua lại sẽ chỉ chấp nhận mua dưới dạng thanh lý. “Nghĩa là nhà nước phải giảm giá rất nhiều và phải để họ tự ý chọn cái nào, bỏ cái nào”, Stefan Szymanski, Giáo sư ngành quản trị thể thao của đại học Michigan (Mỹ), dự báo.

Những thứ chưa bán được sẽ còn rất nhiều, nhất là những công trình khó đẻ ra tiền ngay. Và chúng vẫn sẽ ngốn thêm tiền của nước Nga những năm sắp tới. “Theo tính toán sơ bộ, sẽ phải mất tầm 2,26 tỉ USD mỗi năm để bảo dưỡng những công trình mới xây ở Sochi”, Vladimir Kimayev, một nhà hoạt động môi trường từng chỉ trích việc phá vỡ nhiều cảnh quan để xây công trình ở Sochi, cho biết. Ông cũng nhận định thêm, với mức chi phí như vậy, chính quyền địa phương không đủ chi trả.

Các quan chức Nga dự tính rằng các công trình này sẽ tự kinh doanh, tự làm ra tiền để nuôi mình mà chẳng cần trợ cấp gì thêm. Tuy nhiên, vấn đề là các công trình ấy được xây dựng ở quy mô rất lớn, phù hợp cho một kỳ thế vận hội mùa đông hơn là những sự kiện nhỏ lẻ. Nếu muốn có khách, họ phải cho khách sử dụng công trình lớn với giá họ vẫn trả cho những công trình nhỏ.

Sau khi Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh kết thúc, Trung Quốc phải rất chật vật để thu hút khán giả đến với Sân vận động Tổ chim và Trung tâm Bơi lội quốc gia. Nửa tỉ USD đã được bỏ ra để xây sân vận động để rồi bây giờ, chỉ vào ngày lễ, nó mới được tận dụng làm hậu cảnh chụp hình cho du khách.

Vậy nên dù nói khá lạc quan, có vẻ như ngay cả các quan chức Nga cũng chưa rõ có thể tận dụng các công trình ở Sochi ra sao cho hiệu quả. Mới tuần trước, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phải thúc giục nội các tìm một kế hoạch sử dụng quần thể Sochi sau khi Olympic kết thúc.

Có điều, việc chi số tiền đó, chủ yếu cho xây dựng, không phải là không có ý nghĩa. Dự kiến sau khi kết thúc thế vận hội, nhiều cơ sở vật chất tại Sochi sẽ được tận dụng lại khi Nga đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2018.

Quan trọng hơn, nó có tác dụng như một cuộc kích cầu lớn của Nga. Tại Sochi đã xây dựng 545 công trình phục vụ Olympic 2014, bao gồm hơn 50 khách sạn mới có 23.000 phòng.

Ngoài ra, thành phố xây dựng gần 84.000 km đường sắt sử dụng hơn 1 triệu nhân công và 360km đường bộ. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao dài gần 50km liên kết từ những khu nghỉ dưỡng của vùng Biển Đen thuộc Krasnodar tới các vùng núi là một trong những dự án xây dựng lớn nhất phục vụ Thế vận hội Sochi.

Trong suốt bảy năm qua, cả thành phố Sochi là một công trường khổng lồ không lúc nào ngừng hoạt động. Hầu như tất cả các dự án từ hạ tầng cơ sở cho đến các công trình phục vụ trực tiếp cho thi đấu thể thao đều được xây dựng mới từ đầu.

Việc lựa chọn Sochi làm địa điểm tổ chức thế vận hội đã tạo điều kiện phục hồi kinh tế khu vực Kavkaz vốn bị thiệt hại trong cuộc xung đột Chechnya. Rất nhiều việc làm được tạo ra và rất nhiều hàng hóa được tiêu thụ, cùng thời gian các nước khác cũng phải bỏ ra vô số tiền để kích cầu ở nước mình.

Trong khi đó, một số nước chuẩn bị đăng cai những sự kiện thể thao lớn đã ý thức được vấn đề nhức đầu về đầu tư và xử lý sau khi sự kiện kết thúc. Họ đang tìm cách để tiết kiệm chi phí.

Boss Swenee - lãnh đạo PC2024, một nhóm vận động để đưa Thế vận hội mùa hè 2024 về Washington (Mỹ) cho rằng, Thế vận hội mùa hè London đạt đến điển hình hoàn hảo về ý tưởng xây dựng các cơ sở tạm thời. Ông cho rằng nhà thi đấu bóng rổ là một ví dụ tuyệt vời của một công trình bằng thép đạt chuẩn an toàn và thẩm mỹ như nội thất chất lượng cao, bọc bằng chất dẻo nhưng lại có thể được tháo dỡ ngay khi Thế vận hội kết thúc. Chi phí chỉ bằng 1/3 phí tổn một công trình xây dựng vĩnh viễn cho Thế vận hội.

Ông Swenee cam kết sẽ sử dụng các cơ sở tạm thời khi xin đứng ra tổ chức Thế vận hội ở Washington. Các địa điểm tranh tài và các cơ sở tạm thời có thể được giảm cấp, được tháo dỡ và tái sử dụng cho các thế vận hội sau này.

>VĐV Sochi 2014 tưởng niệm nạn nhân của bạo lực ở Ukraine
>Olympics Sochi 2014: Kết thúc cũng hoành tráng như mở màn
>
Những tỷ phú "bay" cùng Sochi 2014
>[Infographic]10 điều thú vị nhất Olympic Sochi 2014
>Olympic Sochi 2014: Vượt qua ám ảnh khủng bố?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đắt quá không, Sochi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO