CPI sụt giảm, chưa nên kích cầu

24/07/2012 06:10

Chính sách kích cầu nếu đưa ra vào lúc này sẽ tạo ra rủi ro lạm phát rất cao cho nền kinh tế.

CPI sụt giảm, chưa nên kích cầu

Theo các thông báo mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng tại các tỉnh/thành phố trong cả nước trong tháng 7.2012 đều ghi nhận mức tăng âm. Tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, chỉ số CPI tháng 7/2012 lần lượt giảm 0,29%, 0,57%, 0,21%, 0,25% và 0,06% so với tháng 6/2012.

Chí số giá tiêu dùng trong tháng 7 ở hầu hết các địa phương đều ghi nhận mức tăng âm

Như vậy, nhiều khả năng CPI cả nước sẽ ghi nhận mức tiêu dùng sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Diễn biến này tạo ra nhiều lo ngại về xu hướng giảm phát đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên nếu nhìn vào cơ cấu của giỏ hàng hoá tính CPI thì chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm trong tháng 6 và tháng 7/2012 có nguyên nhân phần lớn từ sự sụt giảm giá cả hàng hoá trên thế giới.

Chủ yếu do xu hướng giảm giá hàng hoá trên thế giới

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm trọng số lớn nhất, tới hơn 40%, trong cách tính chỉ số CPI của Việt Nam, tiếp tục ghi nhận mức sụt giảm mạnh tại các tỉnh/thành. Tính cho tháng 6/2012, chỉ số giá lương thực giảm 0,78%, thực phẩm giảm 0,31% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,6%.

Còn trong tháng 7/2012 tại Hà Nội, giá gạo giảm sâu đẩy giá lương thực nói chung giảm 1,51% so với tháng trước, thực phẩm cũng giảm 0,57% so với tháng trước.

Tại Long An, giá lương thực tháng 7/2012 giảm tới 9,31% còn giá thực phẩm giảm 1,2% so với tháng 12/2011. Tại Đà Nẵng, chỉ số giá lương thực, thực phẩm tháng 7.2012 cũng giảm 0,7% so với tháng trước do mùa thu hoạch nên nguồn cung dồi dào.

Ngoài lương thực, thực phẩm, trong tháng 7.2012 do ảnh hưởng của hai lần hạ giá xăng dầu vào ngày 21.6.2012 (xăng giảm từ 21.900 đồng xuống 21.200 đồng/lít) và ngày 2/7/2012 (xăng giảm từ 21.200 đồng xuống 20.600 đồng/lít), và do giá gas cũng giảm đáng kể từ đầu tháng 7, nên một loạt các mặt hàng liên quan trực tiếp đến giá năng lượng đều sụt giảm.

Giao thông, nhà ở, điện nước chất đốt đều có những mức giảm khá ấn tượng. Cụ thể, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt tại Hà Nội giảm 1,2%, nhóm giao thông giảm 2,9%.

Tại TP.HCM, chỉ số giá nhóm hàng giao thông giảm 2,89% và nhóm nhà ở điện nước chất đốt giảm 2,15% so với tháng trước.

Trái ngược với mức giảm giá ở nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm giao thông, nhà ở, điện nước, chất đốt; giá cả tại các nhóm khác vẫn trong xu hướng tăng.

Trong tháng 6/2012 nhóm may mặc, mũ nón giày dép vẫn tăng 0,62%, nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,46%, giáo dục tăng 0,1%.

Trong tháng 7/2012, điều tương tự xảy ra tại Hà Nội khi nhóm may mặc vẫn tăng 1,09% và thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,81%; còn tại TP.HCM, nhóm giáo dục tăng 0,23%. 

Việc điều chỉnh giảm giá của nhóm lương thực, thực phẩm ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể nói là sự điều chỉnh tất yếu phản ánh sự giảm giá mặt hàng này trên thế giới liên tục từ năm 2011 tới hết tháng 6/2012.

Mặt bằng giá lương thực, thực phẩm ở Việt Nam đã bị neo quá cao so với mặt bằng giá cả thế giới. Theo Reuters, giá gạo vào ngày 20/7/2012 đã giảm 4,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, sự sụt giảm mạnh giá năng lượng thế giới trong những tháng vừa qua là căn nguyên khiến cho giá của nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt giảm.

Xét tổng thể, chỉ số hàng hoá nói chung CRB-spot của Reuters đã giảm gần 20% từ mức 580,32 vào ngày 11.4.2011 về mức 468,38 vào ngày 4/6/2012.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý 2/2012 giảm 1,89% so với quý trước và chỉ tăng 0,52% so với cùng kỳ năm 2012.

Sự tăng giá ở các nhóm hàng hoá còn lại được phản ánh thông qua sức mua của người dân vẫn được duy trì. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2012, sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi chỉ số này chỉ là 5,7% trong năm 2011.

Tuy chỉ số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 16,4% trong sáu tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm trước; nhưng không thấp hơn nhiều so với con số 8,8% năm 2009, và 8% năm 2008.

Chưa nên kích cầu

Như vậy, có thể nói sự sụt giảm chỉ số giá hàng hoá của Việt Nam trong tháng 6 và 7.2012 chủ yếu là do xu hướng giảm giá hàng hoá trên toàn cầu, chứ không phải vì sức tiêu thụ hàng hoá của Việt Nam sụt giảm quá mạnh như nhiều người lầm tưởng.

Sự sụt giảm giá hàng hoá toàn cầu giúp cho người dân Việt Nam tiết kiệm được chi tiêu cho các nhu cầu khác, nhờ đó sẽ có thể tăng được sức mua cho mặt hàng khác.

Ngoài ra, sự giảm giá hàng hoá nhập khẩu cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, nhờ đó có thể tiêu thụ được sản phẩm với mức giá thấp hơn mà vẫn có lãi. Hay nói cách khác, tín hiệu giảm giá hiện nay là tích cực cho nền kinh tế chứ không phải tiêu cực.

Vì vậy, các kiến nghị kích cầu nền kinh tế vào lúc này là quá sớm. Cần lưu ý rằng, tính đến tháng 6.2012, CPI so với tháng 12.2011 tăng trên 2,5% nhưng lạm phát cơ bản đã loại trừ lương thực, thực phẩm tăng tới gần 3,8%.

Đây là một minh chứng rõ rệt nhất cho thấy áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn còn hiện diện.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP bắt đầu tăng trở lại. GDP quý 1/2012 ở mức 4%; còn quý 2/2012 ở mức 4,66%. Tín dụng cũng bắt đầu tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 7/2012.

Tăng trưởng tín dụng của TP.HCM tháng 7/2012 là 0,5%, trong khi tại Hà Nội là 2,65% so với tháng 6/2012.

Cần lưu ý rằng các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng do dư địa cho vay tiêu dùng của Việt Nam khá lớn. Tín dụng tiêu dùng tăng sẽ là một đòn bẩy đáng kể khiến cho mức tiêu dùng cuối cùng của người dân tiếp tục được duy trì.

Đó là chưa kể nguồn tiết kiệm dưới dạng tiền mặt, vàng và ngoại tệ của người dân vẫn còn rất lớn.

Chính sách kích cầu nếu đưa ra vào lúc này sẽ tạo ra rủi ro lạm phát rất cao cho nền kinh tế. Tất nhiên, vẫn cần phải theo dõi sự tăng trưởng của mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Nếu như có sự sụt giảm liên tục của chỉ số này trong các tháng tới, thì khi đó ta mới có được bằng chứng xác thực liệu sức mua của người dân Việt Nam có thực sự suy giảm hay không. Hãy kiên nhẫn thêm đợi tín hiệu của thị trường.

Chính sách kích cầu của năm 2009 là một bài học rõ nhất cho việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Nền kinh tế kém hiệu quả sẽ khiến chỉ số giá tăng mạnh hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng về lượng có thêm được. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CPI sụt giảm, chưa nên kích cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO