Con đường mang tên Bhlau

DƯƠNG HOÀI| 19/10/2009 06:09

Bản Voòng nằm ngay trung tâm xã Tr’Hy - một quần thể đẹp mê hồn bên con đường mang tên Bhlau.

Con đường mang tên Bhlau

Bản Voòng nằm ngay trung tâm xã Tr’Hy - một quần thể đẹp mê hồn bên con đường mang tên Bhlau. Con đường Bhlau là do dân bản các xã nơi “cổng trời” miền Tây huyện Hiên đặt tên để ghi ơn một người con K’tu đã có công khai phá con đường xuyên vực sâu, núi thẳm, nối xã Lăng lên đồn biên phòng 649 (khoảng 50km) từ những năm 80 thế kỷ trước...

Bhlau và những thú vui đánh đàn, làm tượng

Trong căn nhà gươi truyền thống của đồng bào K’tu, dưới tấm ảnh Bác Hồ và những bằng khen của các cấp từ Trung ương tới địa phương treo kín vách, ghi lại dấu ấn của thời cống hiến cho nước, cho dân, Clâu Bhlau, người đàn ông tuổi đã ngấp nghé thất thập mà còn rất khỏe mạnh, tiếp chúng tôi thật thân tình.

Mười lăm tuổi, Bhlau đã đi kháng chiến, làm giao liên, rồi du kích cơ động. Năm 1967, Bhlau được đi học y sĩ khi cấp trên thấy có chút năng khiếu về ngành y. Bốn chục năm liền, từ 1967 đến 2007, cả trong chiến tranh lẫn hòa bình, Bhlau làm ở Trạm Y tế xã Tr’Hy, từ đỡ đẻ đến chăm lo sức khỏe cho dân các bản làng.

Ngày trước, người dân hai xã Tr’Hy và Tr’Um (nay tách thành bốn xã Tr’Hy, AXan, Ch’Ơm và Ga Ry) muốn xuống trung tâm huyện Tây Giang phải mất vài ngày, còn từ năm 1977, nhập huyện Tây Giang và Đông Giang thành huyện Hiên (tỉnh Quảng Nam) thì muốn về trung tâm huyện (thị trấn Prao) phải mất gần gấp đôi thời gian đó.

Mỗi chuyến hành trình như đứng bên bờ vực chết chóc. Vậy mà tháng nào Bhlau cũng phải từ bản Voòng trực chỉ hướng núi A Xăng cao gần 1.300m và không biết cơ man nào là núi, đồi, khe suối thâm u để về trung tâm huyện họp và nhận thuốc men. Có những ngọn núi Bhlau phải đi hết một ngày một đêm mới từ bên này dốc qua bên kia dốc. Khi đi, Bhlau phải canh tầm trưa, chiều để tính quãng đường mà chia lương thực cho đủ hành trình. Để đỡ phải mang theo, Bhlau cho gạo, sắn vào ống nứa, treo lên một cành cây làm dấu, khi quay về có sẵn cái ăn.

“Hồi ấy, rừng thâm u, cọp, beo nhiều lắm. Qua đêm giữa rừng già rất nguy hiểm. Nhưng số mình may mắn, thú dữ luôn tha mạng” - Bhlau trầm tư kể - "Cực nhất là lúc gặp mưa rừng, lũ ống, lũ quét thì mạng sống như chiếc lá”.

Bhlau nhớ như in những hiểm nguy trong hàng chục năm lội rừng vượt suối, gặp bao cơn lũ bất thần, trong đó, ba lần ông tưởng giàng quyết bắt mình chết. Một lần, đang men theo con suối A Lăng, cơn lũ ống với khối nước như trái núi ập xuống, Bhlau chỉ biết ôm chặt một thân cây, chới với vô định. May thay, hai người dân bản địa đi săn thú đã dốc hết kinh nghiệm đường rừng, kéo được Bhlau khỏi tay thần chết.

Qua những lần vật lộn với thần chết như vậy, Bhlau luôn nuôi ý tưởng phải có một con đường cho dân bản.

Vào cuối năm 1977, Bhlau quyết tâm khảo sát để mở con đường như từng hình dung, nhưng vào việc thì gian khó ngoài sức tưởng tượng. Rừng bao la, đèo dốc chập chùng, muốn mở đường phải có kiến thức số học, hình học, rồi tọa độ, góc phương vị với những kẻ vẽ..., khiến Bhlau nhiều đêm mất ngủ, quay cuồng tìm cách.

Không có dụng cụ đo đạc, mà có cũng không biết sử dụng, để định hướng chính xác, Bhlau leo hết núi này sang núi khác, đầu tiên tìm một cây cao nhất làm chuẩn (cây tùng) để mở rộng tầm nhìn và nhắm đến cây khác, vạch một đường thẳng tưởng tượng, rồi làm dấu trên từng thân cây. Cứ thế, con đường dần hình thành trong trí Bhlau.

Gần hai năm trời, không biết bao nhiêu quả đồi, ngọn núi, cánh rừng từ thôn Voòng về xã Lăng được Bhlau khảo sát để định hình một con đường.

Năm 1980, Bhlau đưa ý tưởng về con đường đã thành hiện thực (thể hiện qua dấu cây) trình bày trước lãnh đạo xã Tr’Hy. Ai cũng ngạc nhiên, không tin lời Bhlau. Đến cả ông Clâu BLừa - Chủ tịch UBND xã thời bấy giờ, anh trai của Bhlau cũng nhắc nhở em mình: “Đừng làm điều trái ý giàng”. Nhiều người còn xì xào: Bhlau đi rừng nhiều quá nên mắc bệnh hoang tưởng. Họ có lý, vì trước đó dưới huyện, trên tỉnh cũng đã cử hai, ba đoàn với những cán bộ chuyên ngành đi khảo sát để làm con đường lên xã Tr’Hy, nhưng đành phải bó tay. Còn với Bhlau, một y sĩ bản làng thì sao lại làm được điều không tưởng ấy!

Là một đại biểu hội đồng nhân dân xã, nên mỗi lần họp, Bhlau đều đưa ra sơ đồ về con đường của mình. Thuyết phục mãi, khoảng 7/1981, lãnh đạo xã Tr’Hy mới đồng ý cử Bhlau làm tổ trưởng cùng bảy thanh niên đi khảo sát lần cuối trong vòng một tuần liền. Đầu năm 1982, thêm một lần khảo sát nữa, chính quyền địa phương mới đồng tình “tổng tấn công” mở con đường độc đạo từ xã Lăng lên xã Tr’Hy.

Thôn Vòong nép mình ben đường Bhlau

Tháng 7/1982, nắng vàng rực trời, đã xong mùa rẫy, 500 dân các bản cùng cán bộ xã và thôn bản đồng loạt theo chân Bhlau đi mở đường. Ai cũng gùi theo lương thực và những thứ cần thiết để san đồi, khoét núi... Bhlau dẫn 10 thanh niên lực lưỡng đi trước, theo những cây đã được ông làm dấu, phát quang từng đoạn chia cho mỗi thôn bản. Mưa rừng xối xả, nắng như chan lửa vẫn không ngăn được con đường bề ngang một mét, bề dài từ xã Lăng về tới thôn Voòng, trung tâm xã Tr’Hy dài 37km vắt qua đồi, qua núi dần dần hình thành bằng sức người với dụng cụ lao động thô sơ.

Khi con đường đã hiện ra trước mắt, Bhlau và dân bản dường như không tin là sự thật. Đã bước trên con đường do mình làm nên mà bà con cứ ngỡ đi trong mơ, lòng dạ xốn xang, niềm vui chất đầy tiếng cười.

Từ thành công của đoạn đường này, gần một năm sau, thêm 20km đường nữa nối liền thôn Voòng lên trung tâm xã Tr’Um cũng hoàn thành trước niềm vui khôn xiết, thắm nghĩa kết đoàn của đồng bào các dân tộc anh em.

“Tr’Hy và các xã miền núi huyện Hiên này ngày hôm nay có được con đường thênh thang, công đầu là của Bhlau đó. Bhlau được dân mình lấy tên đặt tên đường, quả là xứng đáng!” - Coor Bửu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tr’Hy nói với chúng tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường mang tên Bhlau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO