Cơ hội cho cả đầu tư cá nhân

BÍCH LOAN| 27/10/2010 09:42

Trừ các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và vàng, thì giao dịch hàng hóa qua sàn ở Việt Nam sẽ là kênh đầu tư khá mới mẻ và đầy tiềm năng.

Cơ hội cho cả đầu tư cá nhân

Trừ các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và vàng, thì giao dịch hàng hóa qua sàn ở Việt Nam sẽ là kênh đầu tư khá mới mẻ và đầy tiềm năng.

Ông Nguyễn Duy Phương đã chia sẻ về vấn đề này khi đang chuẩn bị đưa sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam (vốn điều lệ 150 tỷ đồng) đi vào hoạt động vào đầu năm 2011.

* Việt Nam cũng đã có một số sàn giao dịch hàng hóa, nhưng về tính chất cũng như quy mô vẫn còn bó hẹp trong những mặt hàng cụ thể. Ông có thể cho biết sự khác biệt của TPE so với các sàn trước đây?

- Các sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trước đây chỉ được phép mở tài khoản cho những nhà đầu tư, tổ chức là các doanh nghiệp (DN). Nhưng bây giờ, các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia.

Về pháp lý, đây là mô hình sở giao dịch hàng hóa đầu tiên của Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép cho những nhà đầu tư tham gia vào để tìm kiếm lợi nhuận khi chênh lệch biến động giá, kể cả họ không có hàng hóa để giao nhận.

Điểm khác biệt so với các sàn trước đây là TPE có thể giải quyết theo hình thức giao nhận ngay hoặc thực hiện theo dạng giao dịch trong tương lai và có thể kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới.

Tuy nhiên, trước mắt, TPE chỉ tập trung vào các nhà đầu tư trong nước, với ba mặt hàng được Bộ Công Thương cấp phép theo Nghị định 158 của Chính phủ là thép, cao su và cà phê. Mô hình hoạt động tương tự như các sở giao dịch hàng hoá trên thế giới cũng như các sở giao dịch chứng khoán hiện nay.

Chúng tôi hoạt động dựa vào 3 phần gồm: sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ và trung tâm kiểm định và giao dịch hàng hoá. Sàn giao dịch sẽ là nơi giao dịch và khớp lệnh, quản lý lệnh từ phía các nhà đầu tư và những người có nhu cầu mua và bán hàng hoá.

Còn phần thanh toán bù trừ thì chúng tôi sẽ hợp tác với các ngân hàng và đối tác trong nước và ngoài nước có chức năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đảm bảo tính thanh khoản, độ rủi ro về thanh toán cho các nhà đầu tư khi họ thực hiện các giao dịch hàng hoá với nhau.

* TPE đã chuẩn bị những biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng?

- Nếu nói về vấn đề rủi ro thì không ai dám đảm bảo điều đó. Tính chất của giao dịch hàng hóa hơi khác với sàn giao dịch vàng và giao dịch chứng khoán hiện nay trên thế giới.

Chúng tôi cũng nhờ các chuyên gia tư vấn từ các sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài có kinh nghiệm vận hành hệ thống này để giúp nhà đầu tư kiểm soát được những trạng thái lệch, cũng như những hoạt động rủi ro của thị trường.

Mục tiêu của Sở Giao dịch hàng hóa là muốn nhà đầu tư dùng công cụ này để bảo hiểm các hoạt động rủi ro trong kinh doanh của mình. Còn việc bảo hiểm những biến động giá thì phải liên thông theo giá của thế giới. Tuy nhiên, nó không thể nào lên xuống ồ ạt khiến nhà đầu tư thua lỗ hết...

* Như vậy, các nhà đầu tư cũng như các DN sẽ được lợi gì khi tham gia giao dịch ở sàn hàng hóa này, thưa ông?

- Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với ba hiệp hội ngành nghề: cà phê, cao su, thép đểõ tận dụng được hệ thống kho bãi của các DN trải khắp từ Bắc vào Nam. Trước mắt, chúng tôi chỉ chú trọng đến những hợp đồng ngắn hạn và tập trung ở thị trường nội địa.

Ví dụ, một khách hàng ở Cần Thơ muốn giao dịch với một khách hàng ở Tây Nguyên mua cà phê, thì họ phải tốn khá nhiều chi phí để tìm kiếm đối tác, nhưng thông qua mô hình sở giao dịch, họ sẽ giảm được nhiều khoản chi phí, và sẽ tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Qua đó, sẽ tránh được nhiều những rủi ro về chất lượng cũng như giá cả hàng hóa.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho cả đầu tư cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO