Chuyện miệt vườn: Hồn quê

TÁM CHỢ| 25/09/2009 07:18

Mỗi lần về thăm quê ở Vĩnh Long, tôi thường ghé thăm nhà bà Sáu, bởi ngoài tình thân, gia đình bà còn giữ gần như nguyên vẹn những nét sinh hoạt tự nhiên của dân miệt vườn sông Cửu Long.

Chuyện miệt vườn: Hồn quê

Mỗi lần về thăm quê ở Vĩnh Long, tôi thường ghé thăm nhà bà Sáu, bởi ngoài tình thân, gia đình bà còn giữ gần như nguyên vẹn những nét sinh hoạt tự nhiên của dân miệt vườn sông Cửu Long.

Trong khi nhiều gia đình quanh nhà bà Sáu xây nhà tường, lót gạch men, có hàng rào sắt bao quanh thì nhà bà Sáu, dù không nghèo, vẫn là một căn nhà lợp lá xé, vách ván, lót gạch tàu, bao quanh là những cây ổi, xoài, mận, mít... Bà Sáu bảo ở nhà như vậy mát mẻ, hàng xóm dễ gần gũi.

Trong bếp, hầu như không có rổ nhựa, mà là những rổ tre do tự tay bà đan, lên nước sáng bóng. Bên hông nhà là 10 cái lu đựng nước mưa uống quanh năm. Sau nhà, bà nuôi gà, vịt, heo, được cán bộ thú y xã tiêm phòng theo định kỳ. Phân heo, gà, vịt, bà Sáu đem ủ với tro trấu trong mấy cái hố sau vườn. Vài tháng một lần, bà đem phân chuồng đã hoai bón cho vườn cây. Có lẽ không bị nhiễm nhiều hóa chất từ canh tác nên mương vườn bà Sáu nhiều tôm, cá tự nhiên. Khách đến chơi nếu muốn hưởng thú điền viên có thể xách cần câu ra ngồi dưới những gốc cây câu cá hoặc mắc võng ngủ trưa.

Bà Sáu bán xôi đã gần 40 năm qua. Trong khi nhiều người gói xôi bằng hộp xốp, bọc ni lông thì bà vẫn gói bằng lá chuối. Hỏi sao không sử dụng hộp xốp, bọc ni lông, bà bảo: “Nhìn thì sang chứ mấy thứ đó làm giảm hương vị của xôi. Với lại, lá chuối ăn rồi có bỏ xuống sông cũng tự nhiên tiêu hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Mình giảm được chi phí mà thiên hạ cũng được nhờ”.

Kiểu sống của bà Sáu xem ra đơn giản nhưng không phải mấy ai ở miệt vườn cũng theo được. Kiểu sống ấy đang góp phần gìn giữ hồn quê trong thời buổi nhiều nông thôn đua nhau chạy theo lối sống thị thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện miệt vườn: Hồn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO