“Cho đến khi cái chết chia lìa”

MARK JONES - LÊ TÂM dịch| 27/02/2012 04:17

Có rất nhiều khác biệt giữa hai nước Việt và Anh trong cách tổ chức đám cưới. Nhưng dù sao điều cơ bản nhất vẫn giống nhau, đó là việc kết hợp hai người yêu nhau trước sự chứng kiến của những người thân yêu nhất.

“Cho đến khi cái chết chia lìa”

Có rất nhiều khác biệt giữa hai nước Việt và Anh trong cách tổ chức đám cưới. Nhưng dù sao điều cơ bản nhất vẫn giống nhau, đó là việc kết hợp hai người yêu nhau trước sự chứng kiến của những người thân yêu nhất.

Mark Jones

Ở Anh, các cô dâu tương lai luôn mơ về ngày cưới của mình. Đó là ngày mà cô gái ấy sẽ trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Chung quanh cô là những người bạn thân và các thành viên trong gia đình.

Cô sẽ mặc áo cưới trắng tinh và tận hưởng cả ngày vui cười, nhảy múa và ăn mừng vì đó là ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời mình.

Do vậy, khi nhận được thiệp cưới của hai người bạn vào tháng 3 tới, tôi lại nghĩ về ngày cưới của mình và những sự khác biệt giữa đám cưới ở Việt Nam và ở Anh.

Điều đầu tiên là chọn ngày cưới. Tôi chọn ngày cưới hết sức đơn giản bằng cách nhìn vào lịch, tìm một ngày thứ Bảy vào sáu tháng nữa vì thứ Bảy thì hầu hết bạn bè tôi đều có thể đến dự đám cưới. Vợ tương lai của tôi (là người Việt Nam) đồng ý và tôi nghĩ mọi việc như vậy là ổn.

Nhưng sau đó mẹ vợ tương lai của tôi lại đi xem ngày để kiểm tra xem ngày tôi chọn có được không. Thật may mắn, ngày đó thật sự là một ngày tốt để tổ chức đám cưới.

Điều này khiến tôi thấy rất kỳ lạ vì không ngờ sự mê tín có vai trò quan trọng như vậy trong mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.

Một điều gây bất ngờ khác với tôi là các cặp đôi ở Việt Nam thường đăng ký kết hôn trước hoặc sau lễ cưới. Ở Anh, giấy kết hôn được ký ngay trong ngày cưới. Điều này giúp cho mọi việc đơn giản hơn. Vợ tôi và tôi đăng ký kết hôn ba tháng trước khi diễn ra lễ cưới.

Tôi thấy bối rối không biết thật sự ngày cưới của mình là ngày nào vì tôi cho rằng ngày cưới phải là khi người ta chính thức trở thành vợ chồng theo luật pháp.

Trong khi đó, với gia đình vợ tôi, ngày cưới là ngày chúng tôi tổ chức hôn lễ. Mẹ ruột tôi cảm thấy rất buồn cười mỗi khi hỏi chúng tôi cưới nhau ngày nào vì bà luôn nhận được hai câu trả lời khác nhau từ vợ tôi và tôi.

Một điều khác khiến tôi ngạc nhiên là việc chụp hình cưới. Cô dâu chú rể ở Việt Nam thường chụp hình cưới ở rất nhiều nơi với nhiều tư thế khác nhau và thay ít nhất ba bộ áo cưới.

Ảnh chụp rất chuyên nghiệp và được in thành album rất đẹp. Còn ở Anh, ảnh cưới chỉ được chụp trong ngày cưới. Họ chụp hai phía gia đình, cô dâu, chú rể, các phụ dâu, phụ rể và bạn bè thân thiết trong lễ cưới và lúc đón tiếp khách mời.

Điều khác biệt nhất chính là ở buổi tiệc cưới. Tôi luôn nghĩ rằng đám cưới của mình sẽ chỉ có những người bạn thân thiết nhất, nhưng ở Việt Nam, khách mời đám cưới rất đông và có rất nhiều người khách cô dâu chú rể không biết đó là ai.

Trong đám cưới của tôi, tôi chỉ biết khoảng 15% khách tham dự còn vợ tôi thì quen khoảng một nửa. Những vị khách còn lại do gia đình mời.

Ở Anh, tiệc cưới thường kéo dài suốt đêm. Sau bữa tiệc cùng với những lời phát biểu của chú rể và cha cô dâu thường có ban nhạc hoặc DJ chỉnh nhạc để mọi người khiêu vũ cả đêm.

Ở Việt Nam, trong khi ca sĩ hát, mọi người tập trung vào việc ăn tiệc và chỉ ở lại sau đám cưới để chụp hình với cô dâu chú rể. Thực tế, đám cưới thường chỉ kéo dài 2-3 tiếng. Điều này rất lạ đối với người Anh.

Tất nhiên có rất nhiều khác biệt giữa hai nước Việt và Anh trong cách tổ chức đám cưới. Nhưng dù sao điều cơ bản nhất vẫn giống nhau, đó là việc kết hợp hai người yêu nhau trước sự chứng kiến của những người thân yêu nhất.

Trong ngày cưới của tôi, những người thân ở Bến Tre có vẻ kinh ngạc khi chúng tôi và bạn bè ở lại nhảy nhót khá lâu sau bữa tiệc.

Đây là một phần nhỏ trong truyền thống tổ chức đám cưới ở Anh mà tôi muốn thực hiện, bởi vì phần còn lại của đám cưới rất khác so với hình dung của tôi.

Tôi đã có một ngày cưới thật kỳ diệu nhờ kết hợp văn hóa đám cưới của hai đất nước và tôi hy vọng những người bạn của tôi cũng cảm thấy điều đặc biệt ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Cho đến khi cái chết chia lìa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO