Chính sách "nửa nạc nửa mỡ" chỉ ngân hàng có lợi

18/05/2012 09:56

Theo TS. Trần Du Lịch, trước dấu hiệu suy giảm của nền kinh tề ngày một rõ nét, đã đến lúc cần phải sử dụng đồng bộ các biện pháp hành chính để can thiệp.

Chính sách

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, trước dấu hiệu suy giảm của nền kinh tề ngày một rõ nét, đã đến lúc cần phải sử dụng đồng bộ các biện pháp hành chính để can thiệp.

* Theo ông, lĩnh vực nào cần sử dụng biện pháp hành chính can thiệp để góp phần chống suy giảm kinh tế?

- TS Trần Du Lịch:

Trước hết là thị trường tiền tệ. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng cả biện pháp hành chính lẫn thị trường để có thể giảm lãi suất cho vay, như giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 12%/năm; giảm lãi suất chiết khấu xuống 11%/năm; khống chế trần lãi suất huy động 12%/năm… Những biện pháp này đã ít nhiều có hiệu quả, nhưng trên thực tế, dư nợ tín dụng bằng VND vào thời điểm cuối tháng 4/2012 vẫn giảm 1,09% so với cuối năm 2011.

Sở dĩ có tình trạng này là do lãi suất cho vay vẫn còn quá cao so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Nếu không sử dụng kịp thời biện pháp hành chính để can thiệp, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay khó có thể đạt mục tiêu đặt ra là 15%. Điều này sẽ tác động rất lớn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn dựa nhiều vào nguồn vốn ngân hàng.

* Biện pháp hành chính nào cần phải triển khai ngay, thưa ông?

- Thông thường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I bằng 40-50% CPI cả năm. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm nay, CPI mới dừng ở con số 2,6%. Như vậy, nếu tuân theo quy luật, thì lạm phát năm nay khó có thể ở mức 8-9% như kỳ vọng. Giả sử lạm phát năm nay tăng 8-9%, thì lãi suất huy động tối đa ở mức 10% là hợp lý. Vì vậy, thay vì ban hành trần lãi suất huy động hay trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, NHNN có thể khống chế chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.

* Theo ông, mức chênh lệch lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

- Trong phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia mới đây, tôi đề xuất khống chế mức chênh lệch lãi suất tối đa là 3%/năm. Mức chênh lệch này đủ bảo đảm cho ngân hàng hoạt động có lãi, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý với mức tối đa chỉ 13%/năm.

* Khống chế chênh lệch lãi suất là hành vi can thiệp quá sâu vào thị trường tiền tệ. Chính sách này không tuân theo cơ chế thị trường?

- Chúng ta đang đưa nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và trên thực tế, chúng ta đã để thị trường tiền tệ vận hành theo đúng cơ chế thị trường, thực hiện lãi suất thoả thuận, để lãi suất cả huy động và cho vay phản ánh đúng cung - cầu trên thị trường tiền tệ. Do thị trường tiền tệ biến động bất thường, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, nên năm ngoái, NHNN đã khống chế trần lãi suất huy động, tức là đã can thiệp hành chính vào thị trường. Tuy nhiên, NHNN không can thiệp vào lãi suất cho vay, nên doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất quá cao.

Nhiều người lo ngại rằng, khống chế chênh lệch lãi suất sẽ khiến thị trường tiền tệ bị méo mó. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay cần phải áp dụng chính sách này, khi nền kinh tế qua khỏi khó khăn thì phải để cho thị trường tiền tệ vận hành đúng theo quy luật thị trường, còn nếu cứ thực hiện chính sách vừa hành chính, vừa thị trường theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay thì chỉ có lợi cho một số ngân hàng mà thôi.

* Tín dụng vẫn tăng trưởng âm, trong khi lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2% so với cuối năm 2011. Điều này cho thấy, trong thời điểm này, lãi suất không phải là quan trọng nhất với DN?

- DN Việt Nam dựa rất nhiều vào vốn vay ngân hàng, vì thế, lãi suất đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Tất nhiên, hiện tại, ngoài lãi suất, thì giải quyết đầu ra cho DN cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, theo tôi, trong Kỳ họp thứ ba, Quốc hội kháo XIII tới đây, một mặt Bộ Tài chính trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 cho DN nhỏ và vừa, thì cũng nên kiến nghị Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng, lĩnh vực có tính chất lan toả cao, nhằm giải quyết được đầu ra cho sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách "nửa nạc nửa mỡ" chỉ ngân hàng có lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO