Chặn đà tụt hậu đẳng cấp quốc gia

PGS. TRẦN ĐÌNH THIÊN - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (HẢI VÂN ghi)| 15/09/2015 04:24

Những năm qua, nền kinh tế dịch chuyển cơ cấu theo đúng hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc chuyển dịch nền công nghiệp lên công nghệ cao của Việt Nam rất chậm.

Chặn đà tụt hậu đẳng cấp quốc gia

Những năm qua, nền kinh tế dịch chuyển cơ cấu theo đúng hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc chuyển dịch nền công nghiệp lên công nghệ cao của Việt Nam rất chậm.

Đọc E-paper

Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới trong bối cảnh "luật chơi toàn cầu" càng ngày càng chi phối nền kinh tế quốc gia. Luật chơi này cơ bản là của các quốc gia "đẳng cấp cao" về thể chế kinh tế, không dành cho các nước "đẳng cấp thấp".

Cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang chuyển rất nhanh sang nền kinh tế tri thức. Lực lượng chủ yếu làm ra của cải là tri thức. Quốc gia nào tiến nhanh về công nghệ, quốc gia đó thắng.

Nền kinh tế tri thức vào Việt Nam bao nhiêu năm qua nhưng tiến độ ngày càng chậm, định hướng chuyển dịch công nghệ cũng chậm, thậm chí chưa có nỗ lực nào đẩy nhanh vấn đề này.

Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế Việt Nam rất đặc biệt: Ngành công nghiệp xây dựng, từ giai đoạn 1987 - 1991 đến giai đoạn 2010 - 2013 tăng từ 25% lên 41%, trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 17,2% lên 18,8%. Như vậy, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,6% trong khi ngành công nghiệp xây dựng tăng tới 16%.

Điều này cũng giải thích tại sao các lĩnh vực khoa học - công nghệ, chế biến, chế tạo, lao động... luôn đứng sau công nghiệp xây dựng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến cách chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và sự tụt hậu về đẳng cấp của Việt Nam.

Việt Nam có số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp lớn, nhưng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao chỉ có 2% và tham gia ở những công đoạn có giá trị gia tăng thấp.

DN tham gia các ngành công nghệ thấp chiếm tới 55%, còn lại là các ngành công nghệ trung bình. DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, tới 96% tổng số DN. Quan trọng hơn, Việt Nam có rất ít tập đoàn tư nhân lớn.

Thị trường thế giới tiếp tục thay đổi khi cơ cấu dân số tăng, đặc biệt là khu vực châu Á. Trung Quốc vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến phát triển của Việt Nam.

Một cách tiếp cận chiến lược của Trung Quốc, đầu tiên là kết nối, trên cơ sở đó thúc đẩy thương mại, đầu tư ra bên ngoài, cùng với đó là hình thành sự liên kết.

Điểm đặc biệt trong liên kết này là sức mạnh của đồng Nhân dân tệ theo chiến lược quốc tế hóa. Trong kế hoạch phát triển, Việt Nam cần chú ý tới chiến lược gọi là "Con đường tơ lụa hàng hải của thế kỷ XXI" của Trung Quốc, vì đây là yếu tố có thể xoay chuyển cục diện phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Thế giới đang kinh doanh theo chuỗi toàn cầu, đứng đầu là các tập đoàn lớn, có sức mạnh không kém các chính phủ. Vì vậy, việc lôi kéo một tập đoàn kinh tế khó khăn không kém việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một chính phủ.

Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh nếu lôi kéo được các tập đoàn lớn và cùng "chia lửa" với họ. Về điểm này, Singapore là hình mẫu, trở thành điểm hội tụ của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Hội nhập sâu rộng, lợi thế đi sau phải tuyệt đối được nhấn mạnh, nhưng kết quả tùy thuộc vào việc Việt Nam tạo sức hút với DN như thế nào. Nếu phát triển các đặc khu kinh tế, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm của Dubai, hình mẫu lý tưởng, vượt lên rất nhanh của Trung Đông.

Tuy nhiên, "bẫy hạ tầng" là điểm quan trọng cần lưu ý. Việc dốc vào hạ tầng rất nhiều tiền có thể không mang lại hiệu quả, mà cảng Vũng Tàu là một ví dụ.

Chặn đà tụt hậu đẳng cấp quốc gia, theo tôi, có ba điểm mấu chốt Việt Nam cần thực hiện.

Thứ nhất, phải có chiến lược rõ ràng về trục phát triển. Chiến lược phải được tiến hành xuyên suốt, định hình phương thức tiến lên. Trong đó, phát triển khoa học - công nghệ phải là trục chính của nền kinh tế.

Thứ hai, phải có chiến lược phát triển DN và coi đây là chiến lược nền tảng. Chương trình phát triển DN phải rõ ràng, có tầm nhìn xa, phù hợp với kinh tế thị trường.

Trong chiến lược này, DN là lực lượng chủ chốt, trong đó DN tư nhân là lực lượng chính, với các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là xương sống.

Học Hàn Quốc kinh nghiệm phát triển tập đoàn kinh tế, nhưng Hàn Quốc chủ trương phát triển tập đoàn tư nhân, còn Việt Nam lại phát triển tập đoàn nhà nước, nên kết quả rất khác nhau. Hiện nay, vẫn tồn tại những kỳ thị về tập đoàn kinh tế tư nhân.

Thứ ba, cải cách bộ máy nhà nước. Hiện nay ngân sách chi cho hoạt động của hệ thống chính trị quá lớn.

Cải cách hệ thống chính trị cần được xây dựng trên quan điểm kinh tế, nêu rõ chức năng của từng bộ phận, như thanh niên, phụ nữ, công đoàn... Mặt khác, hệ thống chính trị phải chuyên nghiệp, mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc mình làm.

>Chỉ số sáng tạo và nỗi buồn kinh tế tri thức Việt Nam

>Sản phẩm chỉ là điểm bắt đầu của nền kinh tế tri thức

>Samsung sắp rót thêm 1 tỷ USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM

>HSBC: Cần nỗ lực tái cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chặn đà tụt hậu đẳng cấp quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO