Cầu thủ Việt và những giá trị ảo

PHƯƠNG CHI| 11/10/2012 02:52

Chuyện thầy trò ông Phan Thanh Hùng có thể đăng quang ở AFF Cup 2012 hay không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn có thể đoán trước: chưa đá họ đã giành được danh hiệu đội bóng số 1 về giá trị chuyển nhượng.

Cầu thủ Việt và những giá trị ảo

Chuyện thầy trò ông Phan Thanh Hùng có thể đăng quang ở AFF Cup 2012 hay không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn có thể đoán trước: chưa đá họ đã giành được danh hiệu đội bóng số 1 về giá trị chuyển nhượng.

Đọc E-paper

Navibank Sài Gòn từng đổ tiền tỷ biến Quang Hải trở thành tiền đạo đắt giá nhất. Nhưng giờ, khi nhà tài trợ rút lui, các cầu thủ sẽ đi về đâu?

Việt Nam đã từng là điểm đến ưa thích của các cầu thủ Thái Lan vì xét về mức độ thu nhập, V-League là giải đấu hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việc một loạt các ông bầu nhảy vào làm bóng đá càng khiến giá trị cầu thủ tăng vọt.

Ngoại binh đắt đã đành, nội binh cũng không rẻ. Quy định về hạn chế số lượng cầu thủ ngoại buộc các đội bóng phải tìm kiếm những nội binh chất lượng, và cái giá của họ cũng cao ngất ngưởng.

Đơn cử như trường hợp của Bùi Tấn Trường, thủ thành từng được Sài Gòn Xuân Thành đưa về với cái giá kỷ lục 12 tỷ đồng để chứng tỏ độ chịu chơi của bầu Thụy.

Dù không phải người gác đền số 1 trong khung gỗ Đội tuyển Việt Nam (sau Hồng Sơn), nhưng dù sao thì chàng sếu vườn 1,88m này cũng đã khẳng định được tài năng ở các giải trẻ khu vực. Nhưng việc thủ thành Mạnh Dũng, vốn mới chỉ vài lần ăn cơm tuyển và đẳng cấp vẫn kém hẳn Sơn hay Trường, lại có cái giá xấp xỉ 12 tỷ đồng chứng tỏ cuộc chạy đua về giá cả đang ngày một điên rồ.

Trong đợt triệu tập lần này, hàng tiền đạo của Đội tuyển Việt Nam chỉ có ba người, nhưng đó đều là các chân sút đắt giá. Lê Công Vinh có giá 15 tỷ đồng, và có người nói rằng trong khi Quang Hải và Việt Thắng cũng xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Đến hai chân sút không được triệu tập đợt này là Tăng Tuấn và Đình Tùng mà mùa giải vừa rồi còn nhận đến 7, 8 tỷ đồng tiền lót tay thì đủ thấy giá trị của các cầu thủ không phản ánh đúng đẳng cấp và tài năng của họ, mà chỉ cho thấy độ chịu chơi của các ông bầu.

Nếu tính tổng giá trị của 23 tuyển thủ dự AFF Cup 2012 thì rất có thể con số ấy sẽ lên tới cả chục triệu USD - một giấc mơ thực sự với những nền bóng đá khác ở khu vực.

Song, những giá trị ảo thì rất khó có thể tồn tại lâu dài. Việc một loạt các ông bầu đã và đang từ bỏ việc đầu tư vào bóng đá khiến cho tình hình tài chính các câu lạc bộ đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bầu Hiển rút khỏi bóng đá, Hà Nội T&T đành bán trung vệ xuất sắc Cristiano, và sắp tới là Samson để giảm tải quỹ lương. Công Vinh vẫn đang là chân sút đắt giá nhất Việt Nam, nhưng tương lai của anh tại Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội thì đang bấp bênh kể từ khi bầu Kiên bị bắt.

Nhiều khả năng thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ giảm giá mạnh bởi đơn giản sẽ không còn những cuộc chạy đua đình đám kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nữa. Dẫu sao, sự thay đổi ấy cũng giúp các đội bóng có được cái nhìn xác đáng hơn về chất lượng những con người mà họ đang có và sẽ có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cầu thủ Việt và những giá trị ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO