Cân đối ngân sách gặp sức ép lớn

PGS-TS. TÔ TRUNG THÀNH, Đại học Kinh tế Quốc dân (HẢI VÂN ghi)| 15/06/2017 06:45

Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt tăng rất nhanh kể từ năm 2011.

Cân đối ngân sách gặp sức ép lớn

Hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu, những vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để, như nợ xấu hay mất cân đối kỳ hạn. Điểm nghẽn của hệ thống tài chính - ngân hàng khiến nỗ lực hạ lãi suất đầu ra khó khăn hơn mặc dù thanh khoản khá tốt.  

Đọc E-paper

Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt tăng rất nhanh kể từ năm 2011. Áp lực chi trả nợ công đang ngày càng tăng khi tỷ trọng chi trả nợ trung và dài hạn đã vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách năm 2016.

Rủi ro nợ công của Việt Nam còn nằm ở 2 yếu tố:

Thứ nhất, nợ công nêu trên chưa tính đến nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách "mềm" từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của 103 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.547.859 tỷ đồng, tương đương hơn 70 tỷ USD, chiếm khoảng 35% GDP. Như vậy, nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ công đã vượt quá 100% GDP.

Thứ hai, tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỷ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách đã vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ đối với nền kinh tế.

Có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến những khó khăn kinh tế không những trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn:

Một là, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu dựa phần lớn vào các yếu tố đầu vào và công nghệ nhập khẩu.

Hai là, việc điều hành các chính sách vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và tỷ giá, chính sách tài khóa và quản lý nợ công còn chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Ba là, vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đây cũng chính là những điểm then chốt cần được giải quyết ngay trong năm 2017 và những năm tiếp theo vì mục tiêu tăng trưởng bền vững.

>>“Thần chú” cho tăng trưởng bền vững

Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách đến 15/12/2016 ước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa 744,9 nghìn tỷ đồng (94,9%), thu từ dầu thô 37,7 nghìn tỷ đồng (69,2%), thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu 156,2 nghìn tỷ đồng (90,8%).

Như vậy, dù thu nội địa tăng 13,4% nhưng một số khoản thu quan trọng như thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đều giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 39,6% và 2,3% so với năm 2015.

Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước đang giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, thu ngân sách nhà nước ước đạt 28,7% GDP thì giai đoạn 2011 - 2015 giảm chỉ còn 23,3%. Năm 2016, tỷ lệ ước tính chỉ còn 22,1%. Tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực nhưng đang giảm dần.

Nguyên nhân là do kinh tế chưa thực sự khởi sắc, cắt giảm thuế quan theo lộ trình tham gia các hiệp định thương mại và thu từ dầu thô suy giảm do giá dầu và sản lượng dầu suy giảm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách đến ngày 15/2/2016 ước đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng (74,7%), chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng (95,4%), chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng (96,9%). So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP.

Nguồn thu ngân sách vẫn thiếu bền vững trong khi chi ngân sách không có dấu hiệu giảm và kỷ luật tài khóa chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách lớn nên quy mô vay nợ của Chính phủ gia tăng, đặc biệt là vay nợ trong nước bằng phát hành trái phiếu chính phủ, dự kiến năm 2017, tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ là 250.000 tỷ đồng, tiếp tục gây sức ép đến lãi suất và giảm khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu đặt ra đối với tăng trưởng GDP là khoảng 6,7%, CPI tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay của nền kinh tế, mục tiêu này khó đạt được nếu không có những quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng được chính phủ kiến tạo phát triển.

>>Chính phủ kiến tạo phát triển: Bài học từ Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cân đối ngân sách gặp sức ép lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO