Cải cách điều kiện kinh doanh: Vẫn chưa thật thực chất

TS. ĐẬU ANH TUẤN(*)| 26/11/2018 05:18

Thời gian qua, Chính phủ luôn thúc đẩy cắt giảm điều kiện kinh doanh tại các bộ, ngành. Mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh đã gần về đích đặt ra, tức đạt 50% chỉ tiêu.

Cải cách điều kiện kinh doanh: Vẫn chưa thật thực chất

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là ưu tiên trọng tâm của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018 nhưng đến nay vẫn còn "ì ạch". Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, số điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi phát sinh thêm 29 điều kiện mới. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.

Điểm đáng lưu ý là sự đồng đều về mục tiêu cải cách điều kiện kinh doanh. Đến nay, cải cách điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản hóa và nhẹ phần cắt giảm, thậm chí chưa có số liệu thống kê cụ thể về số điều kiện được cắt giảm và số điều kiện được đơn giản hóa trong số gần 50% được cắt giảm.

Quá trình cải cách cũng cho thấy những tồn tại trong quy trình ban hành văn bản pháp luật. Nhiều văn bản pháp luật thay đổi theo hướng đơn giản hóa, nhưng sự thay đổi về phương thức quản lý còn ít. Nghị định 107 thay thế Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, dù điều kiện kinh doanh đã thuận lợi hơn trước, doanh nghiệp có thể thuê kho bãi thay vì phải sở hữu, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao phải xin phép để xuất khẩu gạo?

Trong khi đó, chỉ một số điều kiện kinh doanh thay đổi được phương thức quản lý. Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về an toàn thực phẩm đã thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện nay, doanh nghiệp gửi thông báo, cơ quan quản lý nhà nước dựa trên tiêu chuẩn đã công bố để kiểm tra, giám sát và có thể phạt nặng những đơn vị vi phạm. Nhưng hành trình để ban hành Nghị định 15 cũng rất gian nan.

Tư duy nhà nước can thiệp vẫn còn phổ biến ở một loạt điều kiện kinh doanh, với lượng lớn chứng chỉ, chứng nhận, do chính cơ quan nhà nước cấp, mà chứng chỉ kinh doanh yoga là một ví dụ. Cạnh đó, phổ biến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước vẫn "nhảy vào" thẩm định phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Thêm nữa, pháp luật hiện hành quy định những đơn vị cấp phép kinh doanh không được chủ trì soạn thảo, rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật để tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, đến nay các đơn vị chủ trì cấp phép kinh doanh vẫn chủ yếu là các đơn vị trực tiếp soạn thảo các văn bản pháp luật, tạo ra những xung đột mới về lợi ích trong khi vai trò "người gác cổng" là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị liên quan chưa được phát huy.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, những doanh nghiệp có vị trí quan trọng trên thị trường muốn sáp nhập phải tiến hành thủ tục đánh giá hạn chế cạnh tranh tác động đến kinh tế và chỉ khi cơ quan quản lý cạnh tranh có đánh giá, thẩm định và xác nhận thì giao dịch đó mới được hoàn tất.

Luật quy định, song với những giao dịch giữa các doanh nghiệp lớn có thể tác động đến thị trường lại hoàn toàn không có thẩm định tác động kinh tế đối với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Một quy định có thể đặt ra hàng rào rất cao, tác động lớn đến cả nền kinh tế nhưng không có thẩm định về kinh tế, trong khi giao dịch giữa các doanh nghiệp lại có quy định!

Điều kiện kinh doanh của Việt Nam không nhiều so với nhiều nước. Nhưng ở nhiều nước, điều kiện kinh doanh được dựa trên những chuẩn mực và minh bạch rất cao. Để cải cách hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng quy trình về kiểm soát và ban hành văn bản mới, chuẩn hóa các điều kiện kinh doanh thay vì cắt giảm điều kiện kinh doanh như hiện nay.

Kết quả rà soát năm 2017 của CIEM cho thấy, điều kiện kinh doanh tác động rất lớn đến nền kinh tế và xã hội nhưng không theo bất cứ chuẩn mực nào. Thậm chí, sự thiếu hiểu biết của cơ quan soạn thảo về luật pháp được thể hiện khá rõ bởi những ngôn từ không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa.

Về trung hạn, cần tính đến xây dựng cổng điện tử tích hợp giữa các bộ, ngành để đảm bảo sự chuẩn hóa về văn bản pháp luật. Tại Singapore, quốc gia dẫn đầu khu vực về môi trường kinh doanh, cổng cấp phép điện tử thuộc chính phủ cho hiệu quả rõ rệt. Qua cổng này, người dân, doanh nghiệp và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Singapore có thể xin cấp phép của 15 bộ, ngành với thủ tục, tiêu chuẩn rõ ràng.

Cổng cấp phép làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần, riêng thứ bảy làm việc từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Chính phủ và các thành viên chính phủ có thể tương tác với doanh nghiệp qua cổng cấp phép điện tử. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này của Singapore để cải cách hiệu quả môi trường kinh doanh và nâng khả năng cạnh tranh lên mức cao hơn.

(*) Tác giả là Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách điều kiện kinh doanh: Vẫn chưa thật thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO