Bảo vệ động vật, xin đừng ảo tưởng!

HỒNG BÍCH| 06/09/2013 03:54

Rất nhiều buổi sáng, những người làm dịch vụ trong các khu du lịch nghỉ mát ở Sơn Trà quen thuộc với một phụ nữ châu Âu nhưng vóc người nhỏ nhắn thường đi bộ dọc tuyến đường lên đỉnh núi.

Bảo vệ động vật, xin đừng ảo tưởng!

Rất nhiều buổi sáng, những người làm dịch vụ trong các khu du lịch nghỉ mát ở Sơn Trà quen thuộc với một phụ nữ châu Âu nhưng vóc người nhỏ nhắn thường đi bộ dọc tuyến đường lên đỉnh núi.

Đọc E-paper

Tay cầm theo một túi nylon và chị nhổ 20 gốc dây leo rừng cho vào bao, buộc chặt rồi thả vào thùng rác công cộng. Loại dây leo hoang dại này bị kết tội phát triển phi mã làm hỏng đất và có khả năng "đè chết" các loại cây bản địa của khu bảo tồn.

Người phụ nữ ấy là tiến sĩ Ulrike Streicher, một chuyên gia về động vật học và làm công tác cứu hộ động vật ở nhiều dự án của Việt Nam như Rừng Quốc gia Cúc Phương và Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong quá trình đi thực địa hằng ngày, chị luôn tập cho mình và cho cả trợ lý thói quen tự tay nhổ 20 gốc cây có hại, góp một phần công sức bảo vệ thiên nhiên.

Tiến sĩ Ulrike Streicher là người đã đưa ra thế giới thông tin tại Sơn Trà đang tồn tại một đàn voọc Chà Vá chân nâu duy nhất trên thế giới, một loài linh trưởng tưởng chừng đã biến mất. Thông tin này đã thu hút đoàn làm phim phóng sự của BBC đến đây hồi đầu năm 2013 để thực hiện một bộ phim dựa trên sự nghiên cứu của chị nhằm có tiếng nói thiết thực bảo vệ loại động vật quý này.

Chính chị đã thuyết phục chính quyền thành phố Đà Nẵng làm những chiếc cầu bằng dây vắt ngang qua con đường lớn, giúp đám voọc có thể di chuyển. Những chiếc cầu dây chăng ngang đã tác động về giáo dục, làm cho du khách rất thích thú vì cảm giác lạ trong khu bảo tồn thiên nhiên.

Với công việc của mình, tiến sĩ Ulrike Streicher có rất nhiều bạn bè, họ có thể là các nhà nghiên cứu, nhà báo, và đặc biệt là có cả những doanh nhân đang kinh doanh tại khu vực này. Họ lắng nghe những trình bày của chị về công việc bảo hộ động vật, và cùng góp sức vào việc thuyết phục chính quyền dừng các dự án mở đường lớn trên khu bảo tồn.

Các doanh nhân kinh doanh du lịch cũng được chị thuyết phục không nuôi nhốt thú hoang dã. Nhưng điều thú vị nhất là đã có những nhóm sinh viên theo chân chị lên rừng, học cách phụ giúp các chuyên gia chăm sóc những con thú bị thương vì bẫy, hoặc số động vật hoang dã kiểm lâm thu hồi về cần được chăm sóc trước khi thả về rừng.

Và hình như duy nhất ở Đà Nẵng, các bạn trẻ đã lập ra trang Cứu hộ động vật Đà Nẵng trên Facebook để chia sẻ cho nhau những kiến thức bảo vệ thiên nhiên, động vật, tìm mái nhà chăm sóc chó mèo vô chủ, đi hoang, để thổ lộ tình thương yêu đối với những con vật, lan tỏa nhẹ nhàng một làn sóng đẹp về tình yêu thương động vật và thiên nhiên trong giới trẻ.

Dường như họ đã tạo ra một niềm tin khi trang Facebook này nhận được hơn 5.000 "like", có thể hiểu là họ có 5.000 cánh tay chia sẻ thông tin, sẵn sàng tham gia hành động cụ thể từng vụ việc thích hợp, hoặc ít nhất là cùng quan điểm bảo vệ động vật.

Nó quả như một làn gió mát khi chúng ta thường phải nghe các cuộc tranh luận không dứt về "Hội những người mê thịt chó” hoặc nạn trộm chó và giết người trộm chó.

Nhưng có lẽ cũng không nên kỳ vọng quá nhiều. Người viết bài này thấy thật lẻ loi khi nghe một chuyên viên thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên kể chuyện xảy ra với hội thảo "Giảm cầu sử dụng sừng tê giác trên toàn thế giới" vừa diễn ra xong.

Chuyện hậu trường hội thảo thế này: Ban tổ chức đã mời một số "người nổi tiếng" trong giới showbiz Việt tham gia hội thảo 15 phút đến ký tên ủng hộ "Phong trào bảo vệ tê giác khỏi bị tuyệt chủng bằng hành động thiết thực".

Những "ngôi sao" này cũng rất "thiết thực", đã hỏi cát-xê là bao nhiêu và đòi hỏi một con số ngất ngưởng. Hình như họ không hiểu là mình đang nói chuyện gì và quy tất cả vào việc "sự có mặt của ngôi sao" sẽ đem lại thành công cho mọi tổ chức, mọi phong trào xã hội nên đòi tiền theo giá đi sự kiện?!

Ban tổ chức hội thảo, những người nước ngoài, vô cùng sửng sốt và kiên quyết từ chối chi tiền cho những ngôi sao "nổi tiếng ngoài hành tinh" này. Đối với họ, ý thức về thiên nhiên của các ngôi sao này cũng cần được "bảo vệ” hằng ngày trước tiên, cũng như việc tiến sĩ Ulrike Streicher tạo thói quen nhổ đi 20 gốc dây leo dại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ động vật, xin đừng ảo tưởng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO