2015 - Năm "lao đao" của cá tra Việt

16/12/2015 01:27

Sự nhập khẩu lớn của cá tra Việt Nam vào Mỹ trong vài năm trở lại đây đã khiến 20% hoạt động nuôi cá da trơn ở Mỹ bị đóng cửa.

2015 - Năm

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015 là một năm có nhiều diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính được nhìn nhận xuất phát từ việc Mỹ muốn bảo hộ thị trường sản xuất cá tra trong nước.  

Cá tra Việt “lao đao” trước các quyết định của Mỹ

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) thông báo về quyết định triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ.

Theo quyết định này, kể từ tháng 3/2016, cá tra muốn xuất khẩu vào Mỹ phải tuân thủ toàn bộ quy trình “tạo ra sản phẩm” từ khâu đầu tiên (con giống, thức ăn) cho đến khâu cuối cùng phải được thực hiện theo “kiểu Mỹ”. Thời gian để các nước thực hiện chuyển đổi quy trình sản xuất là 18 tháng.

Như vậy, kể từ ngày 1/9/2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ phải được chứng nhận Tiêu chuẩn tương đồng của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Điều này được ví như một đòn giáng mạnh vào ngành cá tra Việt Nam ngay trước thềm Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Trước đó, ngay từ đầu năm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1/8/2012 đến 31/7/2013 đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục, tuy nhiên DOC vẫn đưa ra mức thuế thiếu công bằng và bất hợp lý với mức thuế gần 1 USD/kg.

Cũng theo VASEP, vào giữa tháng 9/2015, DOC tiếp tục ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014.

Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là Hung Vuong Corp và Tafishcho lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg.

Thêm vào đó, sự tăng giá mạnh của đồng USD khiến cho các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, đồng thời tìm cách hạ giá của các nhà xuất khẩu.

Sự biến động tỷ giá đồng ngoại tệ này không chỉ làm xáo trộn hoạt động kinh tế thế giới mà còn đang tác động đến sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ giảm đã ảnh hưởng tới xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Theo thống kê của VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 1,16 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tính riêng trong quý 3/2015, giá trị xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 74 triệu USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ muốn bảo hộ sản xuất thị trường trong nước

Sự nhập khẩu lớn của cá tra Việt Nam vào Mỹ trong vài năm trở lại đây đã khiến 20% hoạt động nuôi cá da trơn ở Mỹ bị đóng cửa. Hiện tại, cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác chiếm khoảng 75% tổng doanh số tiêu thụ tại Mỹ.

Trong khi đó, doanh số của các trang trại cá da trơn tại Mỹ, chủ yếu ở vùng Mississippi, đã giảm 60% so với thời kỳ đỉnh cao cách đây 10 năm.

Theo VASEP, đây là lý do khiến thượng nghị sĩ bang Mississippi, ông Thad Cochran dẫn đầu các chính trị gia trong việc bảo vệ người nuôi cá da trơn tại Mỹ.

Năm 2002, nhóm người này đã cố gắng để nghị viện Mỹ thông qua quyết định cấm các sản phẩm cá tra, cá basa nhập khẩu từ châu Á được đưa vào mặt hàng cá da trơn.

Năm 2003, những chính trị gia này đã vận động để điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá da trơn từ châu Á.

Năm 2008, nghị sĩ Cochran đã đề nghị các cơ quan chức năng Mỹ giám sát mặt hàng cá da trơn nhập khẩu theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

VASEP cho rằng, nguyên nhân chính của đề nghị này không phải là đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng mà là để bảo hộ sản xuất trong nước Mỹ.

Tuy nhiên, một số tờ báo Mỹ nhận định, điều này sẽ chỉ khiến tăng chi phí kiểm tra mặt hàng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ do sự chồng chéo giữa FDA và USDA, còn người tiêu dùng Mỹ thì phải mua sản phẩm với giá cao hơn.

Còn tờ New York Times cho rằng, chính quyền Washington ra các quy định giám sát khắt khe hơn với mặt hàng cá da trơn của một số nước, trong đó có Việt Nam là đi ngược lại với lợi ích người tiêu dùng Mỹ cũng như trái với các thỏa thuận trong TPP.

>Từ 31/1, cá tra Việt Nam bị cấm vào Nga

>Vụ cá tra Việt Nam: Khởi kiện là biện pháp duy nhất

>Mỹ ra phán quyết bất lợi cho cá tra, ba sa Việt Nam

>Bi kịch cá tra và cơ hội M&A

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2015 - Năm "lao đao" của cá tra Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO