Đề xuất bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ tại đơn vị hành chính mới
Bộ Nội vụ đề xuất bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp, nhằm ổn định nơi ở và điều kiện làm việc cho đội ngũ nhân sự chuyển về công tác tại đây.
Đây là một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.
Theo dự thảo, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, các địa phương phải hoàn tất việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính liên quan.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập danh sách và đề xuất phương án xử lý trụ sở làm việc, tài sản công tại cấp huyện, cấp xã và cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Các phương án này phải được xây dựng đồng thời với đề án sắp xếp đơn vị hành chính trình cấp có thẩm quyền.

Các bộ, ngành trung ương có đơn vị trực thuộc tại địa phương cũng phải lập danh sách, đề xuất phương án xử lý trụ sở, tài sản công đang quản lý. Nếu không có nhu cầu sử dụng tiếp, cần bàn giao lại cho UBND cấp tỉnh để sắp xếp và sử dụng theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Việc sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý tài sản công.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ: Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động bố trí ngân sách để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính mới.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến việc bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm điều kiện làm việc và ổn định sinh hoạt lâu dài tại nơi công tác mới.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ các tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bao gồm: Diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử - văn hóa - dân tộc - tôn giáo, đặc điểm địa kinh tế, địa chính trị và quốc phòng - an ninh.
Theo Bộ Nội vụ, cả nước hiện chỉ có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong khi đó, 52 tỉnh, thành thuộc diện sắp xếp, gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương (TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 48 tỉnh còn lại.