Vì sao phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại?

Gia Lê| 25/02/2020 07:00

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau khi tăng nóng trong năm 2019, dường như đang chậm lại kể từ đầu năm nay.

Vì sao phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại?

Trong năm 2019, có 905 đợt phát hành trái phiếu của 217 doanh nghiệp (DN) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, với tổng giá trị TPDN đạt 296.713 tỷ đồng. Nhiều DN đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài, nâng kỳ hạn phát hành bình quân trong năm 2019 lên 4,08%/năm.

Ngoài ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội do có nhu cầu vốn cao, thì các DN thuộc những ngành như sản xuất, du lịch, năng lượng... cũng tích cực tham gia phát hành TPDN với tỷ trọng giá trị lên tới 41,26%. Tuy nhiên, ngay từ tháng 1, hoạt động này đã chậm lại.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, giá trị TPDN phát hành trong tháng đầu năm ở mức hơn 6.500 tỷ đồng, tương đương gần 2,2% tổng giá trị của cả năm 2019. Đáng lưu ý là lãi suất phát hành vẫn ở mức khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay, phổ biến từ 11-12% đối với lãi suất cố định hoặc biên độ từ 3-4% đối với lãi suất thả nổi linh hoạt.

Trong đó, một số DN nổi trội như Công ty CP Phát triển Golf Thiên Đường phát hành 2.681 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, với lãi suất kỳ đầu là 11% và các kỳ sau thả nổi theo biên độ lãi suất tham chiếu 3%. Công ty CP City Garden có 6 đợt phát hành với tổng giá trị gần 1.600 tỷ đồng, kỳ hạn đa dạng từ 1,5-2,5 năm, lãi suất kỳ đầu 11,5% và biên độ lãi suất thả nổi cho các kỳ sau là 4,35%.

Trong ngành tài chính có Ngân hàng TMCP Tiên Phong phát hành riêng lẻ 254,8 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm với lãi suất 9,5% kỳ đầu và biên độ tham chiếu khá thấp ở 2,6% cho các kỳ sau. Ngân hàng TMCP Á Châu phát hành 30 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 8,5%. Công ty CP Chứng khoán MB phát hành 240 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 8,51% kỳ đầu và biên độ 1,7% cho các kỳ sau.

Trong bối cảnh lạm phát đang chịu áp lực khá lớn có thể tác động tiêu cực lên mặt bằng lãi suất trong giai đoạn tới, việc phát hành trái phiếu trung, dài hạn được nhiều ngân hàng lựa chọn như là một trong những giải pháp huy động vốn bền vững với chi phí ổn định. Tuy nhiên, việc phát hành hàng loạt và nhắm chủ yếu vào các nhà đầu tư cá nhân, trong khi tình hình tài chính của các DN chưa thật minh bạch, khiến rủi ro trong thị trường này ngày càng tăng.

Chính vì vậy, sau những cảnh báo, nhắc nhở, mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành TPDN. Đáng chú ý là điều khoản bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng DN phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu, tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.

Bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành là nhằm hạn chế việc DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng một năm tại Nghị định 163, Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành TPDN quy định điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Đối với lãi suất vay vốn, nhằm hạn chế việc DN phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015, tức không được vượt quá 20% năm. Quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO