Trông chờ thêm các gói kích thích kinh tế

Anh Khoa| 14/10/2021 08:00

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp (DN) đang trông chờ có thêm các gói kích thích kinh tế, trong khi các nhà hoạch định chính sách cũng nhiều lần gợi ý về việc cần có thêm chính sách hỗ trợ.

Trông chờ thêm các gói kích thích kinh tế

Khó trăm bề

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.000, tăng 16,7%, 32.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%, 12.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng, có 10.000 DN rút khỏi thị trường. Trong khi đó, tính riêng quý III vừa qua, thời điểm giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, số DN thành lập mới chỉ đạt 18.400, giảm 51,3% so với quý trước và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình ấy càng gây thêm áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Rõ ràng số lượng DN đang sụt giảm nhanh chóng sẽ đe dọa khả năng phục hồi kinh tế khi đại dịch Covid-19 được khống chế.

Trong khi đó, những DN còn tồn tại cũng rất khó vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay. Ở vùng vinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang), dù đã tái mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10, nhưng để khôi phục sản xuất, kinh doanh không phải là dễ, nhất là lực lượng lao động phần lớn đã và đang tiếp tục hồi hương, dẫn đến nguy cơ thiếu lao động trầm trọng.

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao trong một siêu chu kỳ dường như đang diễn ra, càng khiến DN gặp khó. Ngược lại, sức cầu tiêu dùng vẫn đang trì trệ, càng khiến DN mất động lực đầu tư, mở rộng sản xuất.

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 ước tính đạt 308.800 tỷ đồng, giảm 28,4%, cả quý III đạt 915.700 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367.700 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Chờ các gói kích thích kinh tế mới

Theo giới phân tích kinh tế, mặc dù các gói hỗ trợ  bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 của Chính phủ khá kịp thời, nhưng các cấp triển khai còn chậm. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc kiểm soát tốt đại dịch, cần có những giải pháp hỗ trợ DN chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.

20211006-DN-thanh-lap-moi-9133-163401208

Đáng lưu ý là nhiều DN vẫn đang trông chờ có thêm các gói kích thích kinh tế, trong khi các nhà hoạch định chính sách cũng nhiều lần gợi ý về việc cần có thêm các chính sách hỗ trợ DN. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 4, Chính phủ đã trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng một gói kích thích kinh tế lớn, phục hồi tăng trưởng đi cùng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch, dự kiến sẽ lấy ý kiến Quốc hội trong kỳ họp diễn ra vào giữa tháng 10 này.

Trước đó vào đầu tháng 9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và DN, như miễn giảm thuế, lãi suất cho vay...

Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 4, Chính phủ đã trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng một gói kích thích kinh tế lớn, phục hồi tăng trưởng đi cùng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch, dự kiến sẽ lấy ý kiến Quốc hội trong kỳ họp diễn ra vào giữa tháng 10 này.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng được kỳ vọng sẽ được nới lỏng thêm để hỗ trợ DN, vì dù nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay thực chất hơn từ giữa tháng 7 đến nay, nhưng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, gánh nặng lãi suất ấy vẫn khiến nhiều DN không chịu đựng nổi, còn việc tiếp cận thêm nguồn vốn vay mới gần như là bất khả thi.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi giới DN lẫn các chuyên gia kinh tế gần đây đều kiến nghị sớm có một gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp như năm 2009, với mức từ 3-4%/năm để giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay. Nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp này sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất phải song song với điều kiện vay dễ dàng hơn để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Một đại diện Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng chia sẻ rằng, các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỷ đồng. Điều quan trọng nữa là các gói kích thích, chính sách hỗ trợ cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng cứu sống DN phần lớn đang gần như “chết lâm sàng”... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trông chờ thêm các gói kích thích kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO