* Ông nhận xét thế nào về hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian qua?
LS. Lê Nết - Công ty Luật LNT |
- Năm 2018, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tăng mạnh và xu hướng này vẫn tiếp tục. Việt Nam đã đón dòng vốn lớn đến từ các quốc gia đầu tàu M&A tại châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Kỷ lục là thương vụ ThaiBev-Sabeco.
Với giá trị 4,8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016. Tôi nghĩ rằng, năm 2019, cùng với độ lớn của nền kinh tế cũng như lộ trình thoái vốn của Nhà nước, sẽ có những giao dịch M&A lớn hơn nữa.
* Thị trường M&A phát triển song vẫn tồn tại những rủi ro về pháp lý?
- Các quy định chi phối trực tiếp hoạt động M&A ở Việt Nam có rất nhiều và rải rác ở nhiều văn bản trong các bộ Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... Trong khi đó, về bản chất M&A là một hợp đồng, do luật sư của bên bán và mua soạn thảo, cho nên thỏa thuận giữa các bên càng rõ ràng càng tốt. Như vậy, rủi ro về mặt pháp lý là có thật, trở thành nguyên nhân chính khiến một số thương vụ M&A lại đổ bể.
Một điểm nữa, thông tin doanh nghiệp luôn là vấn đề quan trọng. Việc thiếu thông tin của bên bán sẽ làm cho mức cam đoan bảo đảm và rủi ro cũng vì thế càng lớn hơn.
Các luật sư có cách để xử lý vấn đề thiếu thông tin. Họ giữ lại một khoản tiền trong quá trình thẩm định độ chính xác của thông tin.
Do đó, bên bán muốn hạn chế rủi ro cần phải trung thực về thông tin, nhất là những khiếm khuyết. Ngược lại, khi bên mua dù đã biết về những khiếm khuyết của bên bán nhưng vẫn giao dịch, rủi ro sẽ do bên mua gánh chịu.
Số liệu từ Diễn đàn M&A 2018 cho thấy, có gần 4.000 thương vụ M&A được tạo lập trong 10 năm qua, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường M&A tại Việt Nam năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008, với tổng giá trị đạt 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016.
* Như ông nói, rủi ro pháp lý cũng có thể dẫn đến việc chiếm đoạt công ty?
- Từ tranh chấp mới đây giữa Công ty CP Ba Huân và Quỹ Đầu tư Vinacapital, cho thấy M&A như một cuộc hôn nhân và người ta có thể ly hôn vì hai lý do không quan tâm đến nhau hoặc trói chặt quá. Trong nhiều trường hợp khác, việc đưa ra những điều kiện khó khăn, thậm chí không thể đạt được, đều có thể dẫn đến những đổ vỡ.
Khi rơi vào những tình huống này, bên mua có thể sử dụng các điều khoản "thuốc độc" khiến doanh nghiệp phải bán cổ phần cho họ. Một khi "trúng độc", doanh nghiệp phải nhờ sự giải cứu của một "kỵ sĩ áo trắng", có thể là Chính phủ hay một nhà đầu tư bên ngoài mua lại. Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhất định về M&A. Doanh nghiệp cần nắm được những vấn đề liên quan đến pháp lý, tiên liệu rủi ro để chống lại việc bị thâu tóm.
* Nhưng thành công của các thương vụ M&A tới đây sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào?
- Rủi ro lớn nhất liên quan đến pháp lý trong các giao dịch M&A là đất và thuế. Do đó, doanh nghiệp cần "đi học" trước khi tham gia M&A, thay vì ngồi chờ luật hoàn thiện.
Bởi vì pháp lý là do cơ quan nhà nước soạn thảo, nhưng nhiều người tham gia soạn thảo luật lại không được tiếp cận thực tế. Do đó, doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự "siêu thông minh" của các nhà soạn thảo luật để nghĩ ra những giải pháp mà chính những người được tiếp cận thực tế chưa nghĩ ra.
Những năm qua cho thấy hàng tốt vẫn dễ bán. Tập đoàn Thái Lan - Central Group đã công bố thương vụ M&A có giá trị lên tới 1,1 tỷ USD khi mua lại hệ thống BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino - Pháp. Đáng chú ý là doanh nghiệp Thái chỉ mất gần hai tháng để hoàn thành thương vụ này.
Kết quả này có được là nhờ sự tiếp cận cởi mở đã giúp quá trình điều tra công ty diễn ra nhanh hơn. Cạnh đó, việc giữ "nhiều con ngựa trong cùng cuộc đua" khiến các công ty tiềm năng phải nhanh chóng đàm phán để chốt giao dịch. Nhưng điều này chỉ có được với "hàng tốt", còn hàng không thực sự tốt thì việc bán nhanh là rất khó.
* Cảm ơn ông!