Đập thủy điện Lào, Trung Quốc "đe dọa" sông Mê Kông

TRƯỜNG VĂN| 22/02/2016 06:45

Theo The Economist, Trung Quốc và Lào có thể sẽ hưởng lợi từ những con đập, còn phần lớn hậu quả sẽ dành cho những nước như Việt Nam và Campuchia.

Đập thủy điện Lào, Trung Quốc

Đập thủy điện Tiểu Loan (Xiaowan) của Trung Quốc

Mới đây, The Economist đã thống kê lại những con đập đã hoàn thành và đang lên kế hoạch tiến hành trên dòng sông Mê Kông.

Dòng sông Mê Kông có chiều dài hơn 4.300 km, chảy từ thượng nguồn tại tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) ở độ cao gần 5km so với mực nước biển, đến hạ nguồn là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Khu vực sông Mê Kông là một trong những vùng có nguồn lợi ngư nghiệp dồi dào nhất thế giới, đồng thời có hệ sinh thái vô cùng đa dạng.

Trong một công bố gần đây, các nhà khoa học cùng với Ủy ban sông Mê Kông (MRC) cho biết, chỉ riêng giá trị thủy sản được đánh bắt từ hạ lưu sông Mê Kông đã lên tới 17 tỷ USD một năm, góp 3% vào tổng GDP của nhóm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, và Thái Lan. Nếu so với tổng giá trị đánh bắt thủy sản toàn cầu của năm 2015 là 130 tỷ USD, thì sông Mê Kông đang chiếm tới 13%.

Tuy nhiên, một số nước tiểu vùng Mê Kông như Trung Quốc, Lào và Campuchia giờ đây đang xem dòng sông là nguồn năng lượng của riêng những nước này. Trung Quốc đã xây dựng 6 đập thủy điện trên dòng Mê Kông chảy qua lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Lào và Campuchia có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện cùng với hàng chục con đập khác trên các nhánh sông chính.

song me kong doanhnhansaigon

Bản đồ các con đập trên sông Mê Kông: màu nâu là đập đã xây, màu đỏ là đang xây, màu vàng cam là đang được lên kế hoạch, màu xám là đã bị hủy bỏ. Nguồn: The Economist

Mặc dù nhu cầu năng lượng tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang tăng cao, nhưng những con đập thủy điện này khi hoàn thành cũng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Trái lại, chúng còn có thể mang lại nhiều hiệu ứng phụ là đe dọa nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, khiến hàng triệu người có thể sẽ mất kế sinh nhai và buộc phải di dời đi nơi khác.

Trung Quốc và Lào có thể sẽ hưởng lợi từ những con đập, còn hầu hết hậu quả sẽ dành cho những nước như Việt Nam và Campuchia, The Economist nhấn mạnh.

Để duy trì giá trị kinh tế đáng kể đó, nhiều người đã đồng ý rằng cần phải có biện pháp trì hoãn việc xây dựng các con đập trên dòng chảy chính của sông Mê Kông. Nếu các dự án như đập Xayaburi của Lào cứ tiếp diễn thì nó có thể đe dọa kế sinh nhai của khoảng 60 triệu dân cư đang sống phụ thuộc vào dòng sông này.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu và nguy cơ nhiễm mặn từ việc mực nước biển dâng cao là những mối đe dọa khác đối với sông Mê Kông.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đập thủy điện Lào, Trung Quốc "đe dọa" sông Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO