Không ai biết món bánh tráng cuốn thịt heo có từ khi nào, nhưng nó đã hiện diện hàng trăm năm nay trong dòng chảy ẩm thực Việt Nam và xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của người dân xứ Quảng.
Món ăn này không yêu cầu chế biến cầu kỳ, mà chỉ cần tinh tế trong việc chọn các loại thực phẩm hài hòa và pha mắm nêm đậm đà, thơm ngon. Đó là “bản hòa tấu” của thịt heo hai đầu da, bánh tráng, mì lá (gần giống phở lá hay bánh ướt) cùng các loại rau như xà lách, húng quế, húng lủi, diếp cá, tía tô, giá; kết hợp với vị chát nhẹ của chuối xanh, chua chua của khế, giòn giòn của dưa leo xắt lát mỏng cùng mắm nêm cay, mặn, ngọt thanh...
Điều đặc biệt của món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng là những lát thịt heo hai đầu da đều tăm tắp, đẹp mắt. Để làm được điều này, đòi hỏi người đầu bếp phải thật tỉ mỉ khi chọn nguyên liệu và luộc thịt. Thịt heo phải chọn thịt mông khoảng 2-5kg dày dặn để tạo ra được những miếng thịt nạc dày ở giữa và mỡ, da vừa vặn hai bên. Thịt được luộc trên lửa vừa cho chín đến, để nguội rồi mới thái mỏng. Lát thịt xếp ra đĩa phải trắng, thơm, phần mỡ trong và da mềm vừa phải, để khi ăn không bị khô mà cũng không quá béo ngấy.
Điểm nhấn giúp món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng khác biệt so với các vùng miền khác là mắm nêm chấm kèm. Mắm nêm nguyên chất (ủ từ cá cơm và muối) được pha thêm gừng, tỏi, ớt và thơm (dứa) băm nhuyễn, tạo nên loại nước chấm có vị mặn đậm đà, xen lẫn vị chua ngọt của thơm, hòa cùng chút cay nồng của ớt. Mỗi quán có một bí quyết pha mắm nêm theo công thức và hương vị riêng để gây thương nhớ cho thực khách.
Ăn món này cũng phải có cách thức riêng mới “đúng điệu”. Cầm miếng bánh tráng mỏng, đặt lên đĩa mì lá, để khi nhấc bánh tráng lên, mặt bánh sẽ dính kèm một lát mì lá mỏng, tạo ra vỏ bánh mềm, dẻo. Sau đó, thêm miếng thịt heo hai đầu da, vài lá rau đủ loại, cùng lát chuối chát, khế chua rồi cuộn chặt, chấm mắm nêm, cho vào miệng. Sự tổng hòa của các hương vị béo, bùi, ngọt, mặn, chua, cay, chát... sẽ kích thích vị giác khiến thực khách không khỏi xuýt xoa, tán thưởng.