Dân chủ – chìa khóa để phát triển

VŨ QUỐC TUẤN/DNSGCT| 12/05/2014 06:38

Dân chủ là khát vọng lớn nhất, là tư tưởng lớn và xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Dân chủ ngược lại với độc tài.

Dân chủ – chìa khóa để phát triển

Dân chủ là khát vọng lớn nhất, là tư tưởng lớn và xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Dân chủ ngược lại với độc tài.

Đọc E-paper

Có người cho rằng chế độ độc tài cũng có thể đưa một đất nước đến phồn vinh, tuy nhiên, lịch sử cho thấy đó chỉ là trường hợp cá biệt, trong một hoàn cảnh nhất định, và điều quan trọng là trước sau, chế độ độc tài ấy cũng không thể duy trì lâu được vì đất nước không thể phát triển bền vững và sự chuyển biến từ độc tài sang chế độ dân chủ là tất yếu.

Có thể khẳng định rằng dân chủ là chìa khóa vạn năng để phát huy sức sáng tạo vô hạn của mỗi người dân, tăng cường đồng thuận xã hội và từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của một đất nước. Quyền của dân được tôn trọng là biểu hiện của một xã hội văn minh, là quyền đương nhiên của người dân, dân không phải “xin” và cũng không ai có quyền “cho”.

Nâng cao dân trí

Ở nước ta, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, và trong thực tế, chính là sức mạnh tinh thần và vật chất của dân đã là nhân tố chủ yếu tạo nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Tổ quốc và những bước tiến rất quan trọng trong cuộc đổi mới đất nước những năm qua. Ngày nay, trước những yêu cầu của tình hình mới, vấn đề phát huy dân chủ – đã được xác định là một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà các quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân – cần được đặt ra với những tư duy mới và đột phá mới.

Chúng ta thường nói về sự đồng thuận xã hội, song thực tế cho thấy sự đồng thuận thật sự chỉ có thể hình thành khi người dân được tham gia có hiệu quả vào công việc quản lý đất nước, cảm nhận được rõ ràng là quyền và nghĩa vụ của họ được bảo đảm một cách chắc chắn, trong thực tế chứ không chỉ trên văn bản.

Phát huy quyền làm chủ của dân phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều đáng mừng là trong Hiến pháp 2013, các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội đã được xác định rõ ràng, trong đó có những quyền rất quan trọng như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25).

Nâng cao dân trí là một giải pháp quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Từ những năm đổi mới đến nay, dân trí nước ta đã có bước nâng cao đáng kể, đó là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân phải được tiếp tục bồi dưỡng về nhận thức, trình độ và năng lực làm chủ; quan trọng nhất là sự chuyển biến từ ý thức của thần dân trong chờ đợi sự ban ơn, bao cấp của cấp trên về mọi mặt của đời sống và tư duy ỷ lại, nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo, sắp xếp của cấp trên… sang ý thức của một công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ làm chủ của mình.

Về vấn đề này, xin được nhắc lại tư tưởng của Phan Châu Trinh (1872-1926) khi ông khởi xướng cuộc vận động Duy Tân (vào năm 1906) nhằm khai hóa đất nước với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà nội dung chủ yếu là nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hóa, với các hoạt động thực tiễn như mở mang kinh tế, lập các nhà buôn lớn, mở trường dạy học hiện đại: dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ… Những tư tưởng lớn ấy rất đáng để chúng ta suy ngẫm và vận dụng.

Nâng cao dân trí là một quá trình lâu dài, được thực hiện bằng nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là một hệ thống thể chế tiến bộ, trong đó có những quy định khơi dậy, khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao dân trí, nhằm đúng mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đó là một hệ thống thể chế thượng tôn pháp luật, vừa phải bảo đảm dân chủ, vừa đề cao kỷ luật, xử lý những hành động ngược lại với dân chủ.

Thứ hai, cần cải cách giáo dục, hình thành một nền giáo dục hướng về con người, lấy con người làm mục tiêu, hình thành nhân cách con người có tư duy độc lập, luôn năng động, sáng tạo. Cuối cùng, đó là phát triển nhiều loại hình tổ chức xã hội có chức năng tập hợp, liên kết mọi người một cách tự nguyện tùy theo lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp,… qua đó người dân tự hoàn thiện, bồi dưỡng về mọi mặt tương xứng với yêu cầu của người chủ đất nước, đồng thời đây cũng là những tổ chức hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên.

Xin được nhấn mạnh việc cải cách giáo dục – một giải pháp hàng đầu để nâng cao dân trí. Vấn đề đặt ra là xây dựng lại giáo dục từ gốc, tiến tới một nền giáo dục phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế chung của thế giới; mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy giáo dục, đào tạo được những người biết suy nghĩ độc lập, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, dựa dẫm vào trên, không dám nghĩ khác, làm khác.

Nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã xác định có chức năng xây dựng hệ thống luật pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trong thực tế các quyền của người dân. Mọi hạn chế quyền dân chủ của dân phải được xem xét cẩn trọng và được quy định bằng luật pháp với tinh thần: người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tòa án phải độc lập trong xét xử. Đây là những nhiệm vụ không dễ dàng, nếu không quán triệt tư duy về dân chủ, chưa thấu suốt quan điểm về Nhà nước kiến tạo phát triển, còn bị níu kéo bởi những tư duy của một Nhà nước cai trị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hình thành hệ thống luật pháp này còn rất gian nan. Tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội ngày 23-4-2014 về chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình là nhiều luật đang được Chính phủ triển khai xây dựng, như luật về Hội, luật Tiếp cận thông tin, luật Biểu tình, nhưng do đây là các vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau nên chừng nào đồng thuận, chín muồi mới đề nghị đưa vào chương trình cụ thể.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đã không hài lòng về ý kiến giải trình này và nói: “Quyền của dân mà lúc nào cũng kêu “tế nhị”, không thấy Chính phủ nêu rõ lý do hay đốc thúc gì cả, khó thì cũng phải đưa ra bàn để xem cái gì được cái gì không chứ” (VietNamNet, 23-4-2014). Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần xúc tiến hình thành hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân mà Hiến pháp 2013 đã quy định, để sớm đưa các quy định ấy vào cuộc sống, biến thành sức mạnh cho công cuộc phát triển.

Hệ thống pháp luật cần được xây dựng theo hướng bảo vệ và bảo đảm các quyền dân chủ của dân. Khắc phục tư duy “cái gì khó quản lý thì cấm”, chỉ giành thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn về người dân. Dân có quyền tự do kinh doanh; những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành nghề cấm dân kinh doanh cần được nêu rõ lý do, với tinh thần thu hẹp dần danh mục những ngành này.

Cần quy định rõ những quyền nào của dân chí được hạn chế bằng luật do Quốc hội ban hành, cảnh giác với những quy định dưới luật do cơ quan chức năng tùy tiện ban hành đang có khuynh hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Cũng rất cần khuyến khích phản biện xã hội, tổ chức nghiêm túc việc lấy ý kiến của dân trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những quy định liên quan trực tiếp đến kinh doanh và đời sống của dân; – xin nhấn mạnh là cần nghiêm túc, tránh hình thức, và phải tranh luận bình đẳng đối với những ý kiến khác nhau để tìm ra sự đồng thuận cao trong quyết định chính sách.

Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền là một yêu cầu hàng đầu để bảo đảm sự giám sát của dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân, chống tham nhũng. Xin nhấn mạnh rằng công khai phải đi đôi với minh bạch; cần khắc phục tình trạng công khai mà không minh bạch, còn úp mở, giấu giếm. Đồng thời, cần nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng quanh co, vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm rồi cho lọt tội. Cần đề xướng văn hóa từ chức, coi đây là biểu hiện lòng tự trọng của người lãnh đạo và trách nhiệm của họ đối với nhiệm vụ đã được giao phó.

Tóm lại, phát huy dân chủ là chìa khóa để động viên sức mạnh toàn dân tộc, phát triển bền vững đất nước trong điều kiện nước ta hiện nay. Cũng có thể nói một nền dân chủ thực chất và một thể chế văn minh là hai tiêu chí sáng giá mà nước ta cần hội đủ khi hội nhập quốc tế. Có hai việc cần làm, đó là nâng cao dân trí và xây dựng Nhà nước pháp quyền; tuy đây là một quá trình song vẫn cần những bước đột phá. Điều cần thiết vẫn là khẳng định quan điểm nhất quán về dân chủ, khắc phục những tư duy giáo điều, bảo thủ, những lợi ích nhóm – những vật cản đang tác động xấu đến bước phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dân chủ – chìa khóa để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO