Đại gia điện tử Nhật "tứ bề thọ nạn"

17/05/2013 06:10

Chiến dịch của tỉ phú Daniel Loeb nhằm ép hãng Sony tách riêng ngành giải trí làm rung chuyển ngành công nghiệp điện tử của Nhật, vốn đã quay cuồng từ những thua lỗ trước đó do các hãng Nhật, mất vị thế trong thế giới công nghệ, theo The Wall Street Journal.

Đại gia điện tử Nhật

Chiến dịch của tỉ phú Daniel Loeb nhằm ép hãng Sony tách riêng ngành giải trí làm rung chuyển ngành công nghiệp điện tử của Nhật, vốn đã quay cuồng từ những thua lỗ trước đó do các hãng Nhật mất vị thế trong thế giới công nghệ, theo The Wall Street Journal.

Sau nhiều năm chứng kiến sự trỗi dậy của Samsung và sự thống trị của Apple, những hãng điện tử một thời hùng mạnh của Nhật phải bám vào các nhà đầu tư bên ngoài và các tổ chức tín dụng - vốn đang tìm cách chấm dứt những trái phiếu dễ dãi và biệt đãi dành cho các đại gia công nghệ nước này.

Sự thay đổi diễn ra trong lúc Nhật đang lạc quan về những thay đổi và cải cách dưới chính phủ mới của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe và lựa chọn mới cho vị trí thống đốc ngân hàng Nhật, Haruhiko Kuroda, cho thấy một chính sách tiền tệ táo bạo nhằm chấm dứt sự bất ổn trầm kha của nền kinh tế. Các biện pháp này được cho là sẽ làm suy yếu đồng yen và đẩy cổ phiếu Nhật lên cao hơn.

“Sony đứng trước những lựa chọn về cơ hội tái cấu trúc và sự cải cách mạnh mẽ về kinh tế của Nhật”, tỉ phú Loeb, sáng lập viên Third Point LLC, viết trong lá thư mà ông giao tận tay tổng giám đốc Sony Kazuo Hirai, “Để tối đa hoá thành tựu của Sony, chúng tôi tin rằng công ty nên thay đổi cấu trúc về sở hữu của Sony Entertainment”.

Trả lời công khai bức thư, Sony lặp lại lập trường lâu nay của hãng:" Sony Entertainment là thành viên có đóng góp quan trọng đối với sự lớn mạnh của Sony nên sẽ không bán đi”.

Các phân tích cho thấy Sony thiên về sản xuất điện tử hơn là truyền thông và giải trí.

Một dấu hiệu thay đổi khác trong ngành điện tử của Nhật là việc hãng Sharp hôm 14/5 đã thay tổng giám đốc và chủ tịch sau khi hãng công bố lỗ thuần 545 tỉ yen (5,4 tỉ USD), mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hàng trăm năm của hãng. Sự xáo trộn bộ máy diễn ra sau một năm ầm ĩ xung quanh việc hãng cố bảo vệ vốn và về tương lai đáng quan ngại. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng than phiền là Sharp thiếu người lãnh đạo.

Tìm cách bảo vệ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tivi đèn hình (CRT), Sony bị trễ nhịp khi chuyển sang sang sản xuất tivi màn hình phẳng và từ bỏ vị trí số một cho Samsung. Hậu quả là ngành kinh doanh tivi của Sony bị thua lỗ đúng chín năm liền. Suốt thời gian đó, hãng này đầu tưquá chậm chạp vào những sản phẩm mới như e-reader và tivi LED, những sản phẩm được Sony đưa ra đầu tiên nhưng chính những đối thủ của hãng mới làm cho chúng trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Trong khi đó, Sharp tiêu tốn hàng tỉ USD để xây dựng một nhà máy tối tân sản xuất màn hình LCD ở Nhật. Khi nhu cầu về tivi màn hình phẳng chậm lại trước thềm khủng hoảng tài chính và đồng yen lên giá làm hàng xuất khẩu của hãng kém cạnh tranh, thua lỗ của Sharp ngày càng trương phình ra. Rốt cuộc, hãng phải bán một nửa nhà máy cho công ty công nghệ chính xác Hon Hai của Đài Loan – còn gọi là Foxconn, đơn vị sản xuất hàng hoá cho Apple.

Các công ty điện tử Nhật cũng thất bại trong việc đầu tư vốn trong lĩnh vực công nghệ di động. Sony giờ đây đang cố gắng bứt phá trong cuộc đua điện thoại thông minh với Samsung và Apple. Các hãng công nghệ Nhật khác chậm phát triển trầm trọng và đang trả giá cho sự ôm đồm chế tạo đủ các loại thiết bị.

Về máy ảnh số, một trong ít những lĩnh vực các hãng Nhật đang còn thống trị, doanh số sụt thẳng đứng đặc biệt đối với dòng máy ảnh du lịch. Quý 1/2013 phân phối máy ảnh số toàn cầu giảm 43% về số lượng, theo dữ liệu của hiệp hội Máy ảnh và ảnh ở Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại gia điện tử Nhật "tứ bề thọ nạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO