Trung Quốc ước tính cần thêm 12-14 triệu tấn thép mỗi năm để xây đặc khu kinh tế rộng gấp 3 lần New York.
Cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ lập đặc khu kinh tế Hùng An tại Hà Bắc. Mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại Hà Bắc - tỉnh chịu ảnh hưởng lớn từ các vụ sa thải hàng loạt trong các ngành công nghiệp nặng, do Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Họ cũng muốn giảm tải cho thủ đô - Bắc Kinh.
Ban đầu, Hùng An có diện tích 100 km2. Sau này, nó sẽ mở rộng lên 2.000 km2 - gần gấp 3 New York (Mỹ).
"Nếu giới chức Trung Quốc muốn tạo ra một đặc khu kinh tế Thâm Quyến thứ hai trong 10 năm, ít nhất là về mặt cơ sở hạ tầng. Số thép cần thêm mỗi năm vào khoảng 12-14 triệu tấn, tương đương mức tăng 2% so với nhu cầu trong nước hiện tại", các nhà phân tích tại Citi Research dự báo.
Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, thành lập từ năm 1980. Đây được xem là cửa ngõ giúp nước này tiếp cận thế giới. Từ khu nông nghiệp năm 1979, Thâm Quyến giờ đã thành trung tâm sản xuất và khởi nghiệp của nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Theo tính toán của Citi Research, Trung Quốc cần mất 25-30 triệu tấn thép cho hạ tầng dân cư, 35 - 40 triệu tấn cho diện tích không để ở, 35 - 40 triệu tấn cho giao thông và logistics, cùng 25 - 30 triệu tấn cho các loại hạ tầng khác.
Những con số này rất nhỏ so với tổng sản lượng 1,63 tỷ tấn thép toàn cầu năm ngoái, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Dù vậy, nó vẫn sẽ giúp "tăng tính ổn định cho thị trường khi nhu cầu từ Trung Quốc được duy trì ở mức cao", Citi Research nhận định.
Ngành thép toàn cầu đã chịu áp lực nhiều năm gần đây, khi Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới bị điều tra vì cáo buộc bán phá giá ra thế giới do trong nước dư cung.
>>Đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc khiến giới đầu tư "phát sốt"