Bán tháo
Ngày 18/5/2022, chỉ số Dow Jones lao dốc gần 1.165 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Đây cũng là phiên thứ 5 Dow Jones sụt hơn 800 điểm trong năm nay, tất cả đều xảy ra khi việc bán tháo cổ phiếu gia tăng trong vòng một tháng qua.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 - được xem là chuẩn mực chính cho hiệu suất thị trường chứng khoán Mỹ - đã giảm 13,3% trong suốt tháng 4, mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng kể từ năm 1939. Chỉ số này tiếp tục lao dốc từ đầu tháng 5 đến nay và đã rớt 19% so với đầu năm, chuẩn bị bước vào thị trường con gấu, được tính khi đạt giảm 20% từ mức cao kỷ lục.
Xét theo dữ liệu lịch sử, chỉ số S&P 500 theo dõi biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ, vẫn có khả năng giảm thêm gần 14% trước khi chạm ngưỡng hỗ trợ. Đối với chỉ số Nasdaq Composite, vốn thiên về cổ phiếu công nghệ, sự sụt giảm này còn nghiêm trọng hơn, khi giảm khoảng 25% cho đến thời điểm này, chính thức bước vào thị trường giá xuống.
Làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lan tỏa sang khắp các thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số MSCI All Country World Index (ACWI) theo dõi biến động giá 2.937 cổ phiếu vốn hóa lớn vừa và nhỏ tiêu biểu ở 23 thị trường phát triển và 24 thị trường mới nổi trên toàn cầu, đã giảm gần 18% từ đầu năm đến nay. Dòng tiền tiếp tục bị rút ra nhiều hơn khi các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu của các công ty tên tuổi như Apple.
Chỉ số S&P 500 nguy cơ bước vào thị trường giá xuống |
Bất chấp sự sụt giảm lớn như vậy, giới đầu tư cho rằng một số dấu hiệu cho thấy đà sụt giảm vẫn chưa thể kết thúc khi mà các thị trường vẫn chưa cho thấy sự hoảng loạn lan rộng, sự biến động quá lớn và bi quan hoàn toàn, như đã xuất hiện trong những lần thị trường chạm đáy trước đây. Trong khi đó, giới phân tích cũng cảnh báo nhà đầu tư không nên bị đánh lừa bởi những cú nảy ngắn hạn và đưa ra các quyết định giao dịch lạc quan. Cho đến nay, chẳng có gì tích cực trên thị trường, vì vậy bất kỳ sự phục hồi nào cũng không thể vững chắc.
Ở chiều ngược lại, một số tổ chức đã bắt đầu mạnh tay mua vào trong đợt điều chỉnh này. Đơn cử là Berkshire Hathaway dưới sự điều hành của Warren Buffett đã tận dụng đà giảm để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, chi hàng chục tỷ USD để mua cổ phiếu trong vài tháng qua. Là một nhà đầu tư giá trị, ông Buffett từ lâu khuyên nhủ nhà đầu tư "hãy tham lam khi người khác sợ hãi". Triết lý này có thể khó mà "có đất dụng võ” trong hai năm qua khi tâm lý nhà đầu tư phần lớn chỉ là phấn khích. Giờ đây khi thị trường lao dốc, Berkshire Hathaway lại có cơ hội để mua cổ phiếu.
Sẽ chưa dừng lại
Đánh giá về đợt lao dốc lần này, các chuyên gia phân tích tin rằng nhà đầu tư lo ngại về lạm phát và tác động bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như thu hẹp cơ hội tăng trưởng. Thật vậy, nỗi lo sợ đình lạm - nền kinh tế bị đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao, đang là đầu đề trong các báo cáo phân tích của các tổ chức và là một trong những áp lực đè nặng lên thị trường trong thời gian qua.
Nỗi lo sợ đình lạm - nền kinh tế bị đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao, đang là đầu đề trong các báo cáo phân tích của các tổ chức và là một trong những áp lực đè nặng lên thị trường trong thời gian qua.
Khi lạm phát dâng cao, với chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc phải nâng lãi suất cao hơn để chống lạm phát, nhưng bước đi này đang đưa đến rủi ro suy thoái. Quý I vừa qua, GDP của Mỹ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, kỳ vọng về chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu vốn không hấp dẫn trước đây tăng lên. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gần gấp đôi trong năm nay, lên 3%, lần đầu tiên cao hơn mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Với lợi suất tăng, trái phiếu là một khoản đầu tư cạnh tranh hơn đối với cổ phiếu, với lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm cao khoảng gấp đôi mức cổ tức của chỉ số S&P 500.
Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 17/5/2022 nhấn mạnh ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy 0,5% trong những cuộc họp tiếp theo, cho tới khi tốc độ tăng của giá cả giảm về ngưỡng lành mạnh. FED cũng đã dừng chương trình mua tài sản. Từ tháng 6 trở đi, FED sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán đã lên đến 9.000 tỷ USD. Điều này hàm ý các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán sẽ chưa sớm dừng lại trong giai đoạn tới.
Ngoài sự thay đổi lãi suất của FED, cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm gia tăng thêm sự bất ổn kinh tế. Ví dụ, tình trạng hỗn loạn đã gây ra một cú sốc về nguồn cung, khiến giá dầu và các hàng hóa khác bị đẩy lên cao, đồng thời gây ra những lo ngại đặc biệt về nền kinh tế châu Âu.
Các yếu tố khác đã gây ra biến động chứng khoán gần đây bao gồm lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Những đợt phong tỏa ở nước này để kiểm soát Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh.