Hàn Quốc trong ngày 25/2 đã ghi nhận thêm 169 ca nhiễm vi rút corona chủng mới (Covid-19). |
Diễn biến dịch phức tạp bên ngoài Trung Quốc
Hàn Quốc trong ngày 25/2 đã ghi nhận thêm 169 ca nhiễm vi rút Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.146 ca, trong đó có 11 người đã tử vong. Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm vi rút Covid-19 nhiều nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 cũng lan rộng ở châu Âu trong những ngày qua. Cho tới nay đã có 12 quốc gia châu Âu có sự xuất hiện của dịch, bao gồm: Ý (322 người nhiễm vi rút Covid-19), Đức (18), Anh (13), Pháp (14), Nga (2), Tây Ban Nha (3), Áo (2), Bỉ (1), Phần Lan (1), Croatia (1), Thuỵ Điển (1), và Thuỵ Sỹ (1).
Riêng tại Ý, số ca lây nhiễm vi rút Covid-19 được ghi nhận trong ngày 25/2 tăng 93 ca so với 1 ngày trước đó. Cho tới nay, đã có 11 người tử vong tại Ý do nhiễm dịch bệnh.
Tại khu vực Trung Đông, Iran bị xem như mối đe dọa toàn cầu khi hàng loạt ca nhiễm vi rút Covid-19 mới xuất hiện ở các quốc gia láng giềng. Số người chết tại Iran đã tăng lên đến 16 - cao nhất ngoài Trung Quốc. Hàng loạt ca nhiễm vi rút Covid-19 mới được ghi nhận ở Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oamn, Lebanon, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và thậm chí ở Canada, đều có nguồn gốc lây nhiễm từ Iran.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) ngày 25/2 cho biết số ca nhiễm vi rút Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 57 ca, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản. Thị trưởng San Francisco London Breed đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố để ứng phó tốt hơn trước nguy cơ vi rút xuất hiện.
Trung Quốc điều chế thành công vắc xin chống vi rút
Một nhóm nghiên cứu của giáo sư Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) ngày 25/2 tuyên bố nghiên cứu phát triển thành công một loại vắc xin chống vi rút Covid-19 dạng uống. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Hoàng Kim Hải thuộc Học viện khoa học sự sống của Đại học Thiên Tân cho biết, vắc xin này được nuôi cấy trên tế bào nấm men, dựa trên protein S (Spike protein) sản sinh kháng thể.
Giáo sư Hoàng Kim Hải đã tự uống 4 liều vắc xin mẫu và khôn phát hiện bất cứ tác dụng phụ nào. Hiện nhóm đang tìm kiếm đối tác nhằm sớm đưa loại vắc xin này vào thử nghiệm lâm sàng với mong muốn có thể phát huy tác dụng trong phòng chống dịch.
Được biết, protein S của vi rút SARS-CoV-2 là loại protein then chốt quyết định việc vi rút xâm nhập được vào tế bào dễ nhiễm trên vật chủ, cũng là mảnh ghép chủ chốt trong việc phát triển vắc xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị Covid-19. Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, nhóm đã nhanh chóng xây dựng các phương án nghiên cứu và phát triển loại vắc xin này.
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, đây là loại vắc xin được nuôi cấy trên tế bào nấm men an toàn dạng thực phẩm, tạo miễn dịch qua đường uống, tiện lợi trong sử dụng, có tính an toàn và có thể sản xuất nhanh chóng, phù hợp sử dụng trong các tình huống khẩn cấp khi chưa có các loại vắc xin thông thường đối với các loại bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, giáo sư Hoàng Kim Hải cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, bào chế và đưa vắc xin ra thị trường là một quá trình nghiêm ngặt và lâu dài. Hiện nhóm đang tìm doanh nghiệp và đơn vị có thực lực để hợp tác thúc đẩy những quy trình đánh giá tiếp theo, đẩy nhanh tốc độ kiểm nghiệm lâm sàng và nhân rộng sử dụng loại vắc xin này.
(Theo vietnamfinance.vn - Tựa bài do DNSG đặt lại)