Xe hơi thông minh: Dễ bị tấn công hơn?

13/08/2015 06:34

Càng được tích hợp nhiều hệ thống thông minh, xe hơi càng dễ bị tấn công hơn?

Xe hơi thông minh: Dễ bị tấn công hơn?

Các nhà sản xuất xe hơi đang ngày càng tích hợp nhiều hệ thống thông minh cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, càng có nhiều kết nối thì chiếc xe lại càng dễ bị tấn công.

Phương pháp truyền thống

Rất nhiều người dùng đang sở hữu một chiếc xe keyless (dùng điều khiển để mở cửa xe). Nguyên tắc hoạt động của những chiếc xe này là: điều khiển của người dùng sẽ phát ra một tín hiệu, chiếc xe sẽ nhận tín hiệu và thực hiện các thao tác như mở khoá, khởi động xe, bật đèn.

Mới đây, tại hội nghị hacker thế giới Defcon 2015, chuyên gia bảo mật Samy Kamkar đã giới thiệu một bộ công cụ có giá 32 USD với chức năng hack mở khoá hầu hết các loại xe hơi hiện nay.

Thiết bị này có 1 bộ phận chính là Rolljam. Rolljam này sẽ được đặt tại vị trí nào đó gần chiếc xe. Khi chủ xe sử dụng điều khiển để mở khoá xe, Rolljam sẽ phát ra một sóng radio khác để vô hiệu hóa tác dụng của chiếc điều khiển, đồng thời sẽ copy lại toàn bộ phần mã mà chiếc điều khiển này phát ra.

Chủ xe sẽ nghĩ rằng chiếc điều khiển không hoạt động và ấn lại lần thứ 2. Trong lần này, ngoài việc mã từ chiếc điều khiển đã bị sao chép từ lần đầu thì người dùng cũng sẽ không nghi ngờ gì vì chiếc xe vẫn có thể mở khoá bình thường. Sau đó một thời gian, hacker sẽ sử dụng Rolljam để mở khoá chiếc xe.

Cách làm như vậy trước đây tại Việt Nam cũng từng xuất hiện với cửa từ. Kẻ gian sẽ dùng một thiết bị thu lại sóng của những chiếc điều khiển cửa cuốn từ xa, sau đó sẽ đột nhập vào nhà dựa vào mã thu được từ thiết bị này.

Phương pháp chuyên nghiệp hơn

Hệ thống giải trí trên ô tô hiện nay đang ngày càng được hiện đại hoá. Giờ đây thay vì chỉ dừng lại ở phát nhạc từ đĩa CD hay usb thì hệ thống giải trí này còn đảm nhiệm luôn công việc dẫn đường, tải bản đồ, thậm chí cài ứng dụng từ hãng khác.

Các hacker sẽ tự chế một hệ thống phát sóng Radio kỹ thuật số để gửi các gói dữ liệu đến hệ thống giải trí của xe. Các gói dữ liệu này chứa các đoạn mã để mở quyền kiểm soát hệ thống trên xe. Sau đó kẻ tấn công sẽ có quyền điều khiển toàn bộ xe bao gồm các hệ thống an toàn, hệ thống phanh, kiểm soát động cơ.

Ví dụ cho trường hợp này là hai nhà nghiên cứu bảo mật tại Mỹ là Chris Valasek và Charlie Miller đã có thể kiểm soát một chiếc xe Jeep Cherokee bằng cách gửi các gói dữ liệu tới hệ thống giải trí và định vị của xe.

Nhiều nguy hiểm hơn việc mất xe

Điều đầu tiên mà mọi người dùng có thể nhận ra là chiếc xe của mình sẽ không còn an toàn nữa. Việc đánh cắp chiếc xe có thể được thực hiện rất nhanh chóng mà không cần đến biện pháp có tính phá hoại nào.

Thế nhưng nghiêm trọng hơn việc mất xe chính là chiếc xe đang sử dụng bị tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển. Các mẫu xe Tesla khi đã bị hack thì kẻ xấu có thể điều khiển được động cơ xe. Nếu tiếp cận được với bảng mạch trung tâm thì hacker còn có thể điều khiển được cả hệ thống lái và phanh.

Khi đó người dùng có thể không sử dụng được phanh, bị dẫn đường sai, không giảm tốc độ khi gặp tình huống nguy hiểm hoặc thậm chí bị nhốt trên chính chiếc xe của mình.

Hệ thống giải trí trung tâm hiện đại của Tesla có thể là "miếng mồi ngon" cho các hacker

Ngay khi biết được các nguy cơ có thể xảy đến, các nhà sản xuất lần lượt đưa ra các bản nâng cấp để tăng tính bảo mật cho chiếc xe. Mới đây, Fiat Chrysler đã phải tuyên bố thu hồi 1,4 triệu xe trên toàn cầu về những vấn đề liên quan đến bảo mật.

Hãng Cadillac thì cho biết, các mẫu xe được sản xuất từ năm 2015 sẽ không bị ảnh hưởng bởi cách sao chép sóng từ điểu khiển. Các hãng cho biết vẫn sẽ tiếp tục thu thập các thông tin về nguy cơ từ việc hack đối với xe và người dùng.

>Tin tặc - mối đe dọa xe thông minh

>Doanh nghiệp đau đầu chống hacker

>Nhiều tờ báo lớn của Bỉ tê liệt vì bị tin tặc tấn công

>Apple "hạ mình" tham dự hội nghị bảo mật dành cho hacker

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe hơi thông minh: Dễ bị tấn công hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO