Đền thờ của Thánh Jobs

DIỆU TIÊN| 11/10/2011 09:31

Là “thánh” trong thế giới công nghệ nên Steve Jobs đã đi vào bất tử ngay khi ông đi khỏi cuộc sống này.

Đền thờ của Thánh Jobs

Là “thánh” trong thế giới công nghệ nên Steve Jobs đã đi vào bất tử ngay khi ông đi khỏi cuộc sống này.

Trong giới công nghệ, Jobs là một vị thánh. Ông đã đem tương lai của công nghệ đặt vào cuộc sống hiện tại của thế giới, thay đổi cách con người tương tác với công nghệ. Đó là điều mà tất cả lãnh đạo của những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, từ Intel, HP, Google đến Cisco... đều ngả mũ thừa nhận.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự kính trọng: “Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng khí để suy nghĩ một cách khác biệt, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để thực hiện điều đó”.

Thế giới công nghệ đã mất đi một thiên tài người sẽ được nhớ đến cùng với Einstein và Edison, người mà nhũng ý tưởng của ông sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ tiếp theo.

Là “thánh” nên Jobs đã được đưa vào “đền thờ” của những người yêu công nghệ trên khắp thế giới. Đền thờ của ông nằm ở trong mỗi chiếc iPhone, mỗi chiếc iPad, ở trong niềm đam mê khám phá sự hoàn mỹ của công nghệ...

Cái chết của Jobs đã được đoán định và đã được chuẩn bị từ trước. Từ sau năm 2003 khi ông được chẩn đoán bị căn bệnh ung thư tuyến tụy, Jobs hay nhắc đến cái chết như một cột mốc tạo nên động lực thôi thúc ông sống nhiều hơn bình thường gấp nhiều lần. Chính vì thế mà lần lượt những Macbook Air, iPhone, iPad đã lần lượt ra đời làm thay đổi thế giới.

Năm 2005, trong cuộc nói chuyện tại Đại học lừng danh Stanford, CEO lừng danh Steve Jobs thổ lộ:

“Luôn ghi nhớ rằng rồi ta sẽ qua đời là công cụ quan trọng nhất giúp ta đưa ra được những lựa chọn lớn trong cuộc đời... Luôn ghi nhớ rằng rồi bạn sẽ chết là cách tốt nhất ta biết để tránh việc bị sập bẫy ý nghĩ rằng bạn đang mất đi điều gì đó. Thời gian của bạn là hữu hạn. Đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng để những phán xét của người khác làm bạn mất đi phương hướng trong cuộc đời”.

Một người mà cuộc đời đầy những thăng trầm như Steve Jobs nhưng vẫn giữ được ý chí vươn lên và khát vọng sáng tạo đến tận cùng. Hoàn cảnh riêng của ông bất hạnh vì bị mang cho làm con nuôi. Ở với cha mẹ nuôi điều kiện kinh tế không có gì khá giả. Được vào đại học thì ông lại bỏ dở.

Năm 1976 cùng với bạn nối khố Steve Wozniak thành lập Cty Apple ngay trong gara của nhà bố mẹ tại thung lũng Silicon. Nhưng rồi ông chuốt lấy đắng cay khi bất đồng với chính vị CEO John Sculley do chính ông mời về điều hành Apple, khiến hai nhà đồng sáng lập phải ra đi. Mãi đến năm 1996 Jobs mới trở lại Apple và năm 1997 đánh dấu triều đại CEO Steve Jobs mới bắt đầu.

Trước khi Jobs bị lọai khỏi Apple, chiếc máy tính Macintosh đã từng ghi dấu số 1 trên thị trường dùng cho giới đồ họa, chế bản chuyên nghiệp. Sản phẩm của Apple, gắn với Jobs, là sự khác biệt. Khi Jobs quay trở lại, là lúc Apple lâm nguy hơn bao giờ hết, chỉ còn đúng ba tháng là công bố phá sản. Thế mà Jobs lại làm thay đổi tất cả.

Trước hết là ông làm thay đổi công ty, và bắt đầu “cuộc chiến” đánh bật bãi những người khổng lồ khác, xây dựng Apple thành một đế chế cao sang, hoàn hảo và cũng đầy kén chọn người dùng. Apple sống lại với dòng máy nghe nhạc iPod nhỏ gọn, rồi cách bán hàng trên iTunes, đã đẩy tên tuổi máy nghe nhạc cá nhân Walkman tung hoành hàng thập kỷ của Sony vào quá khứ.

Apple trong thập kỷ của Jobs nhanh chóng trở thành công ty có giá trị nhất trong thế giới công nghệ với giá trị ước tính khoảng 351 tỷ USD, vượt qua cả hãng dầu lửa khổng lồ Exxon Mobil vốn tích lũy tài sản cả thế kỷ, lớn hơn tổng giá trị của 32 ngân hàng lớn nhất khu vực EU, lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của Singapore, gấp đôi doanh số của toàn bộ các cửa hàng quần áo tại Mỹ...

Những dự án về sản phẩm công nghệ mới của Jobs gắn với Apple bao giờ cũng kín tiếng, nhưng đến khi nguồn tin bị lộ ra thì không phải do sự kém bảo mật mà nằm trong ý đồ làm rò rỉ gây tò mò, gây sốt. Đây là chiêu thức marketing mà Apple đã sử dụng hơn thập kỷ qua.

Mười năm sau, khi “vua” Jobs của “đế chế” Apple trở lại, chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt, tạo nên khái niệm mới trong đời sống công nghệ về chiếc ĐTDĐ cảm ứng 100%.

Màn hình cảm ứng không phải của riêng Apple, nhưng công nghệ cảm ứng của Apple là số 1, cùng với kiểu dáng thiết kế riêng biệt, tạo nên đẳng cấp điện thoại của Apple, với hệ điều hành iOS không bán ra bên ngoài.

Từ sự ra đời của iPhone đã đẩy thương hiệu ĐTDĐ số 1 toàn cầu Nokia dần đi vào khủng hoảng, iPhone đánh bật hẳn mảng smartphone của hãng này, và làm suy yếu Black Berry để chiếm ngôi đầu.

Giáo sư nổi tiếng người Mỹ Dave Ulrich trong lần đến Việt Nam mới đây diễn thuyết về chủ đề “Tư duy lại nguồn nhân lực và nhân tài” đã lấy Apple và Steve Jobs ra làm minh họa.

Theo ông, Apple phát triển mạnh trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay chính là nhờ sự khác biệt ở con người, cụ thể là ban lãnh đạo trong đó có Steve Jobs.

“Sự độc đáo không phải là ở những sản phẩm iPhone, iPad mà chính là ở những ý tưởng làm nên sản phẩm đó”, Dave Ulrich nhận định. Jobs đã đưa Apple tới đỉnh cao của thế giới, từ ý tưởng cho đến sản phẩm làm thay đổi sự tiêu dùng của thế giới.

Khi internet phát triển mạnh nhấn chìm nhiều loại hình giải trí và sản phẩm công nghệ khác, thì Apple đã biết dựa vào “thế giới phẳng” để đưa ra các sản phẩm kết nối con người, vì thế càng phát triển mạnh. Những iPhone, iPad càng phát huy sức mạnh của internet, và nó cũng phát triển mạnh trên nền tảng của internet.

Bảng vàng thành tích chói lọi đó đã đưa Jobs vào danh sách những doanh nhân vĩ đại trong hai thế kỷ qua, đứng cạnh những tên tuổi lớn như Osiah Wedgwood, John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, Henry Ford và Estée Lauder.

Rockefeller đã đặt nền tảng cho ngành công nghiệp dầu thô hiện đại trong những năm 1870 và 1880, khi đường sắt và sự ra đời của sản xuất hàng loạt đang biến đổi Hoa Kỳ từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp.

Jobs dù chỉ quan tâm tới việc các sản phẩm sẽ góp phần làm tăng cường chất lượng cuộc sống hàng ngày như thế nào, nhưng cũng định hình lại thời đại thứ ba của máy tính, thời đại của “phong cách sống kỹ thuật số”.

Khả năng thay đổi công nghệ, âm nhạc, và ngành giải trí của Jobs đã mang lại cho ông quyền lực mạnh mẽ. Nhưng xin nhắc lại bài học quan trọng nhất mà Steve Jobs luôn nhắc nhở chính mình là: “Sống khát khao. Sống dại khờ” (Stay Hungry, Stay Foolish) bởi như thế, con người mới có thể đi đến tận cùng của sự đam mê, sáng tạo và thay đổi.

Nếu với tinh thần như vậy thì tất cả những gì mà thế giới đã viết về Jobs và tất cả những gì Jobs đã cống hiến cho thế giới công nghệ chỉ là cơn gió thoảng qua như chính sự hư vô của cuộc đời. Chỉ có đam mê và sáng tạo mới còn mãi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đền thờ của Thánh Jobs
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO