Tiến độ cơ cấu lại các khoản nợ theo thông tư 14 được giải quyết rất chậm |
Mừng nhưng lại lo
Mặc dù vậy, thực tế các ngân hàng vẫn loay hoay, chưa thống nhất các điều kiện cụ thể làm cơ sở đánh giá một khách hàng có đáp ứng các điều kiện của Thông tư 14 và quy định nội bộ từng ngân hàng hay không. Sự lúng túng này khiến tiến độ cơ cấu lại các khoản nợ được giải quyết rất chậm, gây ảnh hưởng đến khách hàng và ngân hàng.
Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị H. Thoạt tiên, khi nghe tin được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bà vui mừng vì ngân hàng xem xét hồ sơ chỉ hơn một tuần và chấp thuận. Điều này đồng nghĩa bà không bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn. Thế nhưng sau đó, bà lo lắng gấp nhiều lần bởi ngân hàng chỉ đồng ý cơ cấu lại thời gian trả nợ trong khi tổng số tiền lãi và gốc, bà vẫn phải chịu áp lực trả cho ngân hàng ở các kỳ tiếp theo đúng hạn.
Chẳng hạn, tổng số tiền được cơ cấu là 100 triệu đồng thì số tiền “100 triệu đồng này sẽ phải phân chia đều và được cộng thêm vào các kỳ trả nợ tiếp theo” sau thời gian được cơ cấu. Nếu không trả đủ, bà H. vẫn bị ngân hàng chuyển nhóm nợ khi hết thời gian cơ cấu.
Cá nhân đã như thế, với doanh nghiệp (DN) thì sao?
Chủ Công ty TNHH SX TM DV L.N hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng chia sẻ, Công ty có món nợ đến hạn vào tháng 9/2021 với số tiền gốc lến đến 9 tỷ và lãi. Chủ DN đã gửi đơn đến phòng tín dụng của một ngân hàng về việc xin cơ cấu lại khoản nợ và/hoặc miễn, giảm lãi, phí cho khoản vay của DN.
Đơn gửi đã lâu nhưng đến nay DN này vẫn chưa nhận được kết quả, chỉ được nhân viên thông báo ngân hàng đang xem xét, trong khi tiền lãi phải trả cho ngân hàng mỗi tháng vẫn đều đặn chứ không được dừng lại trong thời gian xem xét.
Cái khó của ngân hàng
Vậy về phía ngân hàng (chủ nợ) đã gặp những khó khăn nào trong việc xem xét, đánh giá và phê duyệt lại cơ cấu thời hạn trả nợ?
Với tinh thần hỗ trợ, ngân hàng luôn muốn đồng hành cùng các DN gặp khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới góc độ xét duyệt cơ cấu khoản nợ thì ngân hàng cũng phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài (khách hàng phàn nàn, hối thúc, khiếu nại) và trong nội bộ (đánh giá thiệt hại thực tế cũng như phương án trả nợ tiếp theo của DN sau khi hết thời gian cơ cấu).
Việc đánh giá này gây nhiều khó khăn cho những nhân viên trực tiếp quản lý khách hàng, do mỗi khách hàng có mức độ thiệt hại riêng. Nhân viên ngân hàng cần có thời gian nhất định để đánh giá đúng thực trạng khách hàng để làm đề xuất đánh giá.
Việc cơ cấu lại những khoản nợ của khách hàng gây ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của ngân hàng khi thời điểm kết thúc năm tài chính sắp hết |
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nhân viên loay hoay, chưa nắm và hiểu rõ các điều kiện trong thông tư 14 quy định, mặc dù đã được thảo luận, phối hợp các bộ phận làm rõ vấn đề.Việc thu thập hồ sơ, trình tự phê duyệt cũng gặp không ít khó khăn khi tình hình dịch bệnh hạn chế đi lại...
Thông thường thời gian xét duyệt một khoản vay khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, chứng từ đã mất hơn 1 tháng, thì với một khoản nợ được chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng phải tuân thủ theo quy định phê duyệt của các cấp, phòng ban có đủ thẩm quyền. Thực tế thời gian này có khi còn lâu hơn thời gian xét duyệt cấp tín dụng cho khoản vay mới.
Đặc biệt hơn, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng tại thời điểm này phần nào gây ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của ngân hàng, khi thời gian kết thúc năm tài chính gần kề.
Do đó, khách hàng nên thông hiểu, chia sẻ khó khăn này dù ngân hàng đã rút gọn các thủ tục, điều kiện và thẩm quyền phê duyệt hồ sơ.
Hết thời hạn cơ cấu, nếu khách hàng không trả được nợ...
Khoản nợ đó buộc phải chuyển nhóm nợ (nợ quá hạn, nợ xấu). Lúc này lợi bất cập hại xảy ra cho cả khách hàng lẫn ngân hàng. Khi khách hàng chuyển nhóm vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro.
Với thực tế khó khăn của khách hàng cũng như ngân hàng, nội dung nổi bật nhất của thông tư 14 lần này là kéo dài thời gian được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến 30/6/2022, thay vì thực hiện đến ngày 31/12/2021 (theo thông tư 03/2021). Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân người viết, khả năng thanh toán nợ của khách hàng hiện phần lớn đều rơi vào tình trạng gần như không thể.
Trong tình trạng dịch diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, chi phí sinh hoạt hằng ngày hiện cũng gặp khó khăn rất nhiều khó khăn. Do đó, việc thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho ngân hàng dù được cơ cấu hay không cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần như bất khả.
Đối với các khoản nợ trả góp (thường là cá nhân): Tổng số tiền được cơ cấu nợ sẽ được phân bổ đều cho các kỳ trả nợ ở giai đoạn cuối hoặc trong thời hạn vay mà không cấp thiết phải phân bổ ngay sau khi dịch được kiểm soát |
Giải quyết việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho cá nhân, DN như thế nào?
Để việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho cá nhân, DN thấu tình đạt lý, và không gây khó cho ngân hàng, thiết nghĩ cần tiến hành như sau:
-Đối với các khoản nợ trả góp (thường là cá nhân): Tổng số tiền được cơ cấu nợ sẽ được phân bổ đều cho các kỳ trả nợ ở giai đoạn cuối hoặc trong thời hạn vay mà không cấp thiết phải phân bổ ngay sau khi dịch được kiểm soát. Vì sau khi dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh được mở lại, vẫn cần có thời gian (độ trễ) để khách hàng phục hồi.
Ví dụ: Tổng số tiền được cơ cấu là 100 triệu đồng, tổng số kỳ hạn trả nợ còn lại là kỳ hạn 36 tháng, thì số tiền 100 triệu đồng được phân bổ ở các kỳ 31 đến kỳ 36 cuối, hoặc ở các kỳ 20 đến 25…
-Đối với các khoản nợ trả lãi hằng tháng (thường là DN): tổng số tiền được cơ cấu sẽ được dồn trả vào cuối kỳ. Đối với tiền gốc, nên xem xét kéo dài thêm một khoảng thời gian, từ 3 - 6 tháng trên mỗi khế ước nhận nợ (thực tế thời hạn mỗi khế ước nhận nợ chỉ có thời gian 3 - 9 tháng), tùy thuộc vào đặc thù của sản phẩm, ngành nghề kinh doanh của từng DN mà có thời gian phù hợp, nhưng không quá 12 tháng theo quy định.
-Nâng tỷ lệ cho vay so với tài sản bảo đảm hơn mức thông thường, từ 70-80% lên 85% thậm chí 90% nếu tài sản bảo đảm được đánh giá tiềm năng, tính thanh khoản tốt, tài sản có khả năng tăng giá sau đại dịch, để cấp thêm vốn cho khách hàng. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng để hạn chế được rủi ro.