Nhưng bà hiểu, năm nay dịch bệnh quá lớn, chuyện về quê ăn Tết có lẽ chưa quan trọng bằng việc kiếm tiền lo cho cuộc sống. Nhà chỉ còn có hai mẹ con, ông mất cách đây vài năm vì tuổi cao sức yếu, bà cũng đã ngoài thất thập. Mỗi lần gọi điện thoại hay video cho con, bà lại cười móm mém và nắc nỏm. Chiếc điện thoại hiện đại này cũng là của con trai bà mua cho vào dịp Tết năm ngoái, bảo lúc nào bà muốn nhìn thấy con thì cứ làm thế này, thế này... Bà có thể quên mọi thứ, nhưng điều ấy bà không dám quên. Có lúc bấm điện thoại mãi không được, bà lại sang nhà hàng xóm nhờ mấy đứa trẻ bấm giúp. Gọi cho con rồi bà mới yên tâm.
Tết sầm sập về trong thôn xóm, nhà bên đã “eng éc” tiếng lợn kêu, nhà bên kia nữa đã hạ chuối, hạ tre để gói bánh, nhiều nhà khác cũng đang rộn ràng Tết. Còn bà vẫn thui thủi...
Mỗi ngày, bà bấm điện thoại gọi cho con một lần. Lúc nào cũng một câu hỏi: “Ngày mấy con về?”. Nhưng rồi sau mỗi cuộc nói chuyện bà lại buồn. Khuôn mặt đã dày những nếp nhăn như cố ép lại để ngăn dòng nước mắt vốn đã khô hạn. Tết này con bà có thể không về.
Tết ông Công ông Táo, bà bày mâm cúng. Mâm cúng đơn sơ trong khói hương nghi ngút. Bà nhìn mâm cúng rồi nhìn ra ngoài cửa, ước một điều gì đó...
Trời trở lạnh, mấy hôm nay rét ngọt. Bà lầm lũi đi chợ Tết. Tết năm nay con không về, bà chẳng sắm sửa gì nhiều. Nhà còn mỗi mình bà, khách đến cũng chỉ mươi phút chúc Tết rồi lại đi. Bà nhẩm tính mua ít hoa quả, ít trà, bánh mứt, gói vài chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ tổ tiên, mua một cành đào trưng cho ra không khí Tết, có thêm nữa, thì mua đôi chậu cúc nhỏ. Vậy là đủ cho cái Tết này.
Mọi thứ vốn đã quen tay nên bà làm quấy quá một lúc là xong. Rồi bà lại ra cổng đứng, mơ hồ ngóng con, ngóng cháu. Nhà bên, đứa con đi làm xa đã về, tiếng cười nói ríu ran như từ tít tắp nào đó dội vào lòng bà. Bà lại thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng đứa con trai, con dâu cùng hai đứa cháu nội. Ánh mắt già nua của bà cứ hướng về phía đầu đường, nơi những chiếc xe khách dừng lại. Nhưng rồi bà lại thất vọng.
Càng gần đến 30 Tết, bà càng khắc khoải. Bà tẩn mẩn sờ vào túi găm kỹ bằng kim găm, trong đó có số tiền con bà hằng tháng gửi về. Số tiền ấy bà sẽ để dành cho con sau Tết vào lại miền Nam.
30 Tết, bánh chưng đã bày lên mâm cúng. Hoa đào đã thắm trong nhà, ngoài hiên cúc vàng đã rực, hương trầm đã nghi ngút khói. Nhà bên, nhà bên kia nữa vui vẻ cười nói. Thi thoảng người đi qua thấy bà đứng trước ngõ, gọi với vào: “Tết này anh Tí không về hả bà?”. Nghe người làng hỏi, bà gật đầu chào, chẳng dám trả lời.
Bà sắp mâm cúng tất niên, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết mà lòng buồn thê thiết. Nhưng rồi tiếng chó đầu ngõ sủa vang, rồi tiếng hàng xóm gọi: “Bà ơi, anh Tí về!”. Đang dở tay, bà nghe tiếng được tiếng mất nhưng lòng chộn rộn, bà vứt tất cả, chân thấp chân cao chạy ào ra ngõ. Đúng thằng Tí rồi! Đúng con bà rồi! Nó về rồi! Bà gào lên vui mừng khôn xiết. Từ đầu ngõ, anh Tí cùng vợ và hai đứa con tay xách nách mang đi vào. Bà thất thểu chạy ra, ôm chầm cả nhà đứa con trai. Lúc ấy, Tết mới thật sự đến với bà!
Có lẽ, chỉ có những bà mẹ chờ con mới hiểu thấu cảm giác ấy. Tết chỉ thực sự về, khi có cảnh đoàn viên.