Đôi lần được nghe chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nói chuyện nhưng chỉ khi đọc Ký ức theo dòng đời, tôi mới thật sự hiểu về một con người luôn có suy nghĩ cống hiến cuộc sống cho người khác, một "kiến trúc sư trưởng" đã kiến tạo nên khu Nam Sài Gòn từ một vùng đất sình lầy hoang vu cách nay hơn ba thập kỷ.
Hơn 300 trang sách với lẫn lộn buồn vui, nỗi éo le của thân phận, nỗi niềm của một kẻ sĩ gắn với nhiều biến động của thời cuộc và đất nước càng làm tôi thêm kính trọng ông - một con người dung dị với tấm lòng lớn, nhân cách lớn.
* Thưa ông, Ký ức theo dòng đời được viết trong mùa dịch Covid-19, phải chăng do thời điểm này cuộc sống nhiều bất biến, lắng đọng đã làm chất xúc tác để ông viết sách. Và nếu phải nói lời cảm ơn khi cuốn sách này ra đời, ông sẽ cảm ơn ai?
- Tôi không có ý định viết sách nhưng sau khi một số thân hữu và học trò có ý định thay tôi làm chuyện này, tôi nghĩ thôi thì chuyện riêng tư mình tự lo lấy vẫn hơn. Biết đâu cũng là cơ duyên và mục đích chính là lưu niệm cho con cháu sau này biết cha ông của chúng lớn lên như thế nào trong một thời kỳ đất nước nhiều biến động.
Tôi không phải là nhà báo, cũng không phải là nhà văn. Nói như vậy cũng là đánh giá hơi cao về mình rồi. Bởi cuộc đời thật của tôi là cuộc đời tận cùng của những người không được học ở trường lớp nên khi viết, tôi còn không đúng chính tả mà phải nhờ học trò hay bạn bè sửa lại từng câu chữ, dấu hỏi, dấu ngã.
Sinh ra vào lúc 12 giờ trưa, sau một tiếng bom nổ vang trời (mẹ tôi chỉ nhớ vậy), tôi bắt đầu hòa vào dòng đời, đi qua mọi ngọt bùi đắng cay của một kiếp người và dòng chảy lịch sử của thời cuộc đã cuốn lấy cuộc đời tôi. Và tôi đã cố gắng thích nghi để tồn tại.
Hoàn thành cuốn sách này, nếu phải nói lời cảm ơn thì nhiều lắm. Tôi cảm ơn thăng trầm cuộc đời đã cho tôi chất liệu sống, cảm ơn những năm tháng đã rèn luyện tôi, cảm ơn những người đã hình thành và đi qua dòng đời tôi, tác động đến tôi một cách trực tiếp hay gián tiếp, góp phần hình thành nên "tôi" của hôm nay và giúp tôi hoàn thiện cuốn sách này, như ông bà cha mẹ trong dòng tộc, như vợ hiền thân yêu và các con cháu, những người thầy, những bè bạn thân thiết và cả những người ít thân quen hay cả những người chưa kịp biết tên.
* Nhận xét về ông, GS. Trần Văn Thọ nói, ông là mẫu mực của một người hàn vi từ nhỏ nhưng nhờ ham học và ý chí vượt khó đã trở thành tài, thành bậc trí thức hữu ích cho xã hội. Nhìn lại tuổi thơ và hành trình đi lên của cuộc đời, điều gì ông muốn nhắn gửi lại cho lớp trẻ?
- Nhìn lại tuổi thơ cơ cực, nhất là sự học quá lận đận, tôi càng thấm việc học là quan trọng nhất trong đời của một người. Cứ không học là dốt. Thế nên, tôi tranh thủ tất cả thời gian có được để học. Thời nghèo đói, ăn còn chưa no nhưng tôi cứ bị sự học quấn lấy, nhiều người hỏi: "Học để làm gì?". Tôi không biết. Học như thế nào, tôi cũng không hay. Chỉ biết cứ cái gì mình không biết thì học. Giống như đi trên đường gặp cục gạch có giá trị mà không biết giá trị ấy chỗ nào, cứ lượm về nhà để chỗ nào đó. Cứ như thế từng bước, từng bước mà đi. Ban đầu ngổn ngang, nhưng dần dần nó được sắp xếp lại và trở thành những cái có giá trị cho cuộc đời hôm nay.
Phương châm sống của tôi là phải làm gì để mọi người xung quanh thấy giá trị về sự hiện hữu của mình. Thế nên, phải làm điều gì có ích cho họ. Còn nhớ năm 17-18 tuổi, nghe nói có chú Hỏa giàu nhất, xây 22.000 ngôi nhà ở Sài Gòn. Lúc đó, cả đời tôi chỉ mong xây được một căn nhà là đã hãnh diện rồi. Thế mà bây giờ nhìn lại khu Nhà Bè, tôi thấy mình đã làm được điều mơ ước như chú Hỏa ngày xưa.
Tôi muốn nói với tất cả bạn trẻ, nhất là những bạn chưa có điều kiện được học: "Đừng bao giờ tuyệt vọng". Hãy học bất cứ ở đâu, khi nào, học trong cuộc đời và xung quanh. Sự học sẽ giúp chúng ta thay đổi cuộc đời. Chỉ có học mới đóng góp cho đất nước, thay đổi được vận mệnh quốc gia.
* Ông có một triết lý sống "Thích nghi mới tồn tại và sống phải mang lại điều có ích cho mọi người", ông ngộ ra triết lý sống này từ đâu?
- Nhớ khi xưa đi theo chị lên Sài Gòn, khi chị đi lấy chồng, chỉ thuê được một căn phòng rất nhỏ, kê được một cái giường và một cái tủ nên tôi phải mua một chiếc ghế bố ngủ ngoài hành lang và chiếc ghế bố của tôi không bao giờ được mở ra trước 12 giờ đêm và không thể dậy trễ hơn sau 5 giờ rưỡi sáng. Cũng vì ở ké nên mọi người xem thường, tôi ngồi đâu cũng thấy có người khó chịu.
Sau một tháng, nhận thấy mình phải làm gì để người ta thừa nhận mình. Thế là tôi có dậy rất sớm giúp ông bán cá tính toán, viết hóa đơn, rồi hằng ngày giúp bất cứ ai những gì mình làm được, dạy kèm toán cho bọn trẻ lớp 3-4-5, rồi nói chuyện tiểu thuyết với chủ nhà. Bà chủ nhà thích lắm, mấy ngày sau bà nói tôi lên trên lầu ngủ chung với con bà. Thế là tôi được lên lầu và từ đó mọi người nhìn tôi vui vẻ hơn.
Khi đó, tôi nhận ra mình tồn tại trong cuộc đời này thì nên làm điều gì có lợi cho những người xung quanh, nếu không muốn họ nhìn mình với cặp mắt thừa thãi. Cũng trong môi trường đó, tôi học được câu "Thích nghi mới tồn tại".
* Ông vừa nhắc đến hàng nghìn ngôi nhà của chú Hỏa nhưng ông còn xây lên một cơ ngơi hàng nghìn ngôi nhà cho xã hội ở khu Nam Sài Gòn và khi bắt đầu, ông còn bị nhiều người đàm tiếu, nói ông "cõng rắn cắn gà nhà”, chắc hẳn lúc đó ông buồn lắm?
- Sau năm 1975, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, lúc nào tôi cũng tự hỏi: "Làm sao có cơ hội làm một việc gì đó cho xã hội?". Vì thế, khi thực hiện những dự án mới mang tính tiên phong, cách mạng thì việc phải chịu nhiều "tai tiếng" cũng là dễ hiểu. Hơn nữa, trong một thời kỳ đầu đổi mới, tranh tối tranh sáng lẫn lộn, cái tốt cái xấu đan xen thì việc đánh giá một ý tưởng, việc làm mới cũng vô cùng phức tạp.
Năm 1988, luật thu hút đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành, Công ty Cholimex và nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề đã xin lãnh đạo thành phố xây dựng khu chế xuất. Mất hai năm đi hết vùng này tới vùng khác để tìm vị trí làm khu chế xuất. Ban đầu, tôi chọn Tân Cảng nhưng phướng án được duyệt là Cát Lái. Sau một năm triển khai không thu hút được nhà đầu tư, ý kiến của tôi mới được xem xét. Lúc ấy, tôi lại quyết định chọn Tân Thuận Đông vì không quá xa thành phố, lại đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nhiều dịch vụ chất lượng cao của nhà đầu tư, lao động nơi đây cũng dồi dào.
Năm 1989, UBND TP.HCM đã chấp thuận chọn địa điểm đặt khu chế xuất là Nhà Bè và tôi được đề cử thực hiện dự án. Tôi rời chức vụ Giám đốc Cholimex và thành lập pháp nhân mới là Chương trình xây dựng khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận (tiền thân Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận IPC) hiện nay và phải tự xoay sở nguồn vốn hoạt động.
Nhưng ước mơ của tôi không chỉ là lấp đầy 300ha Khu chế xuất Tân Thuận. Điều tôi quan tâm nhất là sự thành công của khu chế xuất có giải quyết được bài toán nghèo không, nên tôi quyết định phải phát triển làm sao mà Nhà Bè này phát triển. Tôi đề nghị làm con đường, đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Thời gian này, tôi và nhóm chuyên viên nòng cốt cũng đã nghiên cứu và tổ chức thêm các đề án phát triển kinh tế như tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, đô thị mới Nam Sài Gòn, xây dựng Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước...
* Không ít người thắc mắc, ông được giao thực hiện cả một dự án lớn với hàng nghìn ngôi nhà được xây dựng tại khu Nam Sài Gòn, nhưng ông không có một miếng đất hay ngôi nhà nào tại đây. Vì sao vậy, thưa ông?
- Phát triển khu Nam Sài Gòn là dự án lớn tôi muốn làm cho xã hội, cho cộng đồng và sẽ không có cơ hội thứ hai nên tôi làm bằng cả sức lực, trí tuệ, tâm huyết và làm rất thận trọng. Thời đó, nếu mua đất, tôi sẽ có rất nhiều tiền, nhưng chỉ cần mình mua một miếng đất thôi cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín, bị người ta quy kết trục lợi cho nên tôi không dám nghĩ đến những gì có thể làm cản trở dự án và uy tín, tâm huyết của mình.
* Nhóm Thứ Sáu được hình thành trong bối cảnh vô cùng đặc biệt và đóng góp đặc biệt không chỉ cho thành phố này mà còn cho đất nước, ông có thể kể về kỷ niệm của ông với nhóm Thứ Sáu?
- Sau giải phóng, những anh em trong nhóm Thứ Sáu như cây bèo dạt trôi và tôi là người cầm cờ, mời anh em tụ lại và tôi xem các anh chính là người thầy của tôi và những gì tôi làm được cho xã hội này, chính là những đóng góp vô cùng lớn của anh em trong nhóm Thứ Sáu .
Nhóm đã có nhiều nghiên cứu và có được cơ hội đối thoại trực tiếp với các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố và các chuyên gia cao cấp gần gũi với lãnh đạo ở Trung ương. Chính vì không khí cởi mở mà anh em đã mạnh dạn đề xuất ý kiến sáng tạo để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ.
Quá trình đóng góp ý kiến của nhóm cũng khá sôi nổi, không ít lần tranh cãi, phản biện nảy lửa. Còn nhớ lần Thành ủy đề xuất nhóm Thứ Sáu nghiên cứu biện pháp làm cách nào để kéo giá xuống. Khi tôi nói yêu cầu này của Thành ủy, anh Hồ Xích Tú hỏi: "Lấy cơ sở nào để nói giá cao?". Thú thật, lúc đó tôi chỉ là học trò ngồi nghe 24 ông thầy tranh luận về kinh tế tầm vĩ mô và với tôi, đây là trường kinh tế học.
* Trong cả dòng chảy cuộc đời, có những lúc ông chủ động dừng lại, có những lúc rút lui, có những lúc rút lui để trở lại, mỗi lần như thế, đâu là "kim chỉ nam" giúp ông đối nhân xử thế và có bao giờ ông tiếc nuối về quyết định nào đó?
- Tôi có một tâm niệm, đó là sự xuất hiện của mình ở một nơi nào thì mình có đem lại lợi ích cho người khác hay không. Cho nên khi làm việc gì, tôi cũng đặt ra câu hỏi tại sao người ta ngăn mình hay tại sao họ ủng hộ. Vì thế, tôi sẵn sàng lui ra hoặc đứng lại để nhìn, để thấy đâu là lợi ích cho xã hội, cho mọi người và kinh tế cần tiếp tục. Và cũng là để xem người nào ủng hộ mình nếu mình tiếp và những người ủng hộ có đặt lợi ích cá nhân của họ không? Nếu họ không có lợi ích riêng tư, mà vì lợi ích của người khác thì những người này mình có thể bộc bạch mọi thứ.
Và may mắn, số người này càng lúc càng nhiều và tôi đã dựa vào họ để làm được nhiều thứ. Tôi nghĩ, mọi việc thành công đều phải từ tập thể chứ không thể một mình, nhất là không thể một mình có thể ngăn chặn lợi ích cá nhân của con người. Bởi có câu "Ngăn chặn lợi ích của một người, họ sẽ coi như mình giết cha giết mẹ họ đấy". Đây là điều tôi học được từ văn hóa Trung Quốc.
* Phật giáo ảnh hưởng như thế nào đến ông?
- Lúc nhỏ, tôi tự cho mình là người học khoa học, cho nên tôi không tin bất cứ cái gì về tôn giáo. Nhưng mẹ bác tôi sau trận Mậu Thân 1968 nhìn thấy quá nhiều người chết thì bà nguyện ăn chay suốt đời. Tôi rất lo lắng, bởi tôi không tin, tôi sợ mấy ông thầy chùa đem mê tín dị đoan đến với mẹ mình, cho nên bà đọc kinh gì, tôi đọc cái nấy. Tôi không hiểu về kinh, chỉ nghe mẹ nói đọc là có phước, tai qua nạn khỏi nên tôi đọc theo và bắt đầu suy nghĩ, kiếm sách Phật giáo đọc.
Tôi cảm ơn anh Nguyễn Tường Bách vì anh đã viết rất nhiều sách Phật giáo, tôi đọc và dần hiểu Phật giáo theo góc độ khoa học mà anh đưa ra và tôi cũng từng bước nghiên cứu Phật giáo một cách khoa học. Tôi nhớ một lần mẹ nói muốn lập một bàn thờ có Phật ở nhà nhưng cần có sự đồng ý của tôi. Tôi nói rằng mẹ muốn cái gì tôi đồng ý cái đó. Mẹ nói: "Vậy thì tôi phải quỳ xuống để các thầy đặt kinh, rồi làm đủ lễ mới được".
Hôm thầy đến làm lễ, tôi quỳ đúng hai tiếng. Mẹ hỏi, tại sao con dám quỳ lạy Phật, sao con dám làm chuyện này? Vì lúc đó tôi là đảng viên càng không làm được. Tôi nói: "Con đâu có nhìn thấy Phật, con quỳ lạy mẹ nên chuyện này không có gì khó khăn". Mẹ tôi rất cảm động.
Phật nói: "Cái hạnh bồ tát là làm cho muôn loài mà không có một yêu cầu gì cho mình, miễn là làm cho xã hội tốt, mang lại lợi ích và giúp đỡ được nhiều người thì đó là bồ tát. Thế thì suốt cuộc đời, tôi cũng trở thành bồ tát mấy lượt rồi (cười). Bồ tát là một trạng thái mà hành vi của một con người, nếu anh làm một điều ác thì anh là ác ma. Nên bồ tát và ác ma cũng chỉ là hành vi khác nhau mà thôi.
Cho nên nhiều người hỏi tôi: "Anh hiểu về Phật giáo sao không là Phật tử?". Tôi nghĩ, tôi không cần phải là Phật tử, miễn sống lương thiện và luôn tâm niệm cái gì mình không muốn thì đừng gieo cho người khác, cái gì mình thấy hay thì mình cố gắng làm. Tôi cố gắng giữ hai câu này là thấy sống khỏe rồi, không cần phải quỳ lạy, không cần phải đọc kinh. Bữa nào mấy ông nhóm Thứ Sáu rủ đi ăn thịt chó tôi vẫn ăn được...
* Thông qua cuốn sách, các bạn trẻ có thể rút ra kinh nghiệm gì, thưa ông?
- Sách tôi viết, các bạn trẻ không thể đọc một lần mà hiểu hết được, vì tôi viết theo kiểu ký ức, kinh nghiệm đã kinh qua 70 năm. Và kinh nghiệm đó tôi không dám chắc rằng hoàn toàn đúng và tôi chờ các bạn đặt vấn đề, vì kiến thức của mình cần phải tương tác. Nếu các bạn tham gia tương tác và nếu tôi còn sống dài hơn, thì 5 năm sau tôi có thể tinh chỉnh, lúc đó sách càng giá trị hơn.
* Xin cảm ơn ông về chia sẻ.