Thị trường ngoại tệ: “Quất” mạnh, “tắc” nhẹ

QUỲNH VŨ| 07/12/2011 09:32

Nghị định 160/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối được hy vọng sẽ đặt ra khuôn khổ cho các giao dịch và sản phẩm ngoại hối tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi các thông tư hướng dẫn thực hiện chính vẫn chưa được ban hành, thì mọi giao dịch ngoại hối trên thị trường gần như đã “tắc”.

Thị trường ngoại tệ: “Quất” mạnh, “tắc” nhẹ

Nghị định 160/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối được hy vọng sẽ đặt ra khuôn khổ cho các giao dịch và sản phẩm ngoại hối tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi các thông tư hướng dẫn thực hiện chính vẫn chưa được ban hành, thì mọi giao dịch ngoại hối trên thị trường gần như đã “tắc”.

Ngoại tệ thường khan hiếm vào cuối năm - Ảnh: Quý Hòa

Theo các nhà quản lý, khi các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 160 được ban hành và Thông tư 07/2011/TT-NHNN được giải thích rõ ràng hơn, các bên tham gia thị trường ngoại hối sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm hơn.

Điều này sẽ có tác dụng cải thiện niềm tin vào tiền đồng Việt Nam và tăng thanh khoản trên thị trường ngoại hối cũng như thiết lập một thị trường ngoại hối kỳ hạn có tính thanh khoản và vận hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn, phần lớn ngân hàng (NH) bắt đầu “chùn tay” trong mua bán USD, thậm chí có NH còn ngừng bán USD cho cá nhân với lý do không đủ nguồn cung.

Chị Thu Tuyết cho biết có con đang đi du học nên thường xuyên có nhu cầu mua ngoại tệ. Trước đây, chị chỉ cần mang giấy báo của trường cùng với visa của con đến NH là có thể dễ dàng mua USD.

Tuy nhiên, cách đây vài ngày, dù chị nói thế nào nhân viên NH vẫn từ chối bán ngoại tệ với lý do NH không đủ nguồn.

Về vấn đề này, một nhân viên phòng ngoại tệ của một ngân hàng thương mại (NHTM) tại Q.1, TP.HCM cũng thừa nhận, vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao, cộng thêm chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết thị trường ngoại tệ tự do, nên NH cân nhắc không bán USD cho khách hàng cá nhân, mà chỉ ưu tiên bán cho doanh nghiệp.

Nhưng trên thực tế, hai ngày cuối tuần vừa qua, NH này cũng ngừng bán USD cho khách doanh nghiệp cũng với lý do nguồn cung khan hiếm. Khảo sát một số NH khác trên cùng địa bàn Q.1 cũng thấy tình trạng tương tự.

Chị Thu Tuyết chia sẻ thêm là chính nhân viên NH trên gợi ý nên mua USD trên thị trường tự do, sau đó mang đến NH họ sẽ chuyển tiền giúp chị. Nhưng làm sao người dân dám mua USD trên thị trường tự do vì có thể bị xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng theo Nghị định 95 của Chính phủ.

Để thu hút khách hàng có nhu cầu bán USD và do không thể mua USD với giá cao hơn giá niêm yết theo quy định nên một số NHTM quy đổi từ USD sang loại ngoại tệ khác có tỷ giá cao hơn.

Từ ngoại tệ này, doanh nghiệp sẽ bán lại cho NH để lấy tiền Việt theo giá trị tương đương với giá USD trên thị trường tự do.

Các NH sẽ tư vấn cho khách hàng chọn ngoại tệ nào có lợi nhất vào thời điểm giao dịch và chịu trách nhiệm tính giá. Và tất nhiên, khi giao dịch thành công, doanh nghiệp sẽ phải chi trả cho ngân hàng một khoản gọi là “tiền hoa hồng”.

Khi hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ bị hạn chế và chuyển dần sang hoạt động mua - bán ngoại tệ, đây sẽ là cơ hội lớn cho các NHTM trong mảng kinh doanh mua bán ngoại tệ.

Bởi thực tế hiện nay trên 60% doanh nghiệp có hoạt động thanh toán quốc tế và nhu cầu giao dịch ngoại tệ bằng USD. NHTM nào có vốn lớn và có nhiều khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ kiếm lợi nhuận lớn từ mảng này.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Theo đánh giá chung, mạnh tay xử lý việc mua bán ngoại tệ trái phép là hoàn toàn đúng vì sẽ đưa thị trường ngoại tệ, vàng vào khuôn khổ, chống lại tình trạng vàng hóa, đô la hóa...

Nhưng việc áp dụng quy định chung đối với cả tổ chức lẫn cá nhân lại đang khiến thị trường “bị rối”.

 Bởi lẽ, có trường hợp người dân có nhu cầu mua vài trăm USD để trả nợ, nhưng vừa bị phạt 50 - 100 triệu đồng, vừa bị tịch thu số USD này là không hợp lý.

Hơn nữa, chuyện mua bán USD tại NH trước đã khó khăn, nay càng bế tắc hơn.

Nếu cấm dân mua bán ở các điểm giao dịch ngoại tệ trái phép, thì đòi hỏi NH phải tạo điều kiện cho dân có nhu cầu giao dịch ngoại tệ hợp pháp.

Còn nếu doanh nghiệp không mua được USD, cũng không vay được thì họ đành phải xoay xở mua USD ở thị trường tự do, thậm chí họ sẽ đi vay VND với lãi suất cao 18 - 19% rồi dùng tiền này để đi gom USD.

Tình hình này chắc chắn sẽ khiến đầu vào của sản phẩm tăng cao, kéo theo giá bán hàng hóa cũng cao.

Bàn về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, việc chống đô la hóa bằng dự thảo mà NHNN trình Chính phủ hiện nay chỉ có thể giải quyết bề nổi, chứ gốc rễ của căn bệnh vẫn còn.

Muốn triệt tiêu thị trường ngoại tệ trái phép, theo nhiều chuyên gia, một lần nữa vấn đề chênh lệch tỷ giá chính thức - chợ đen cần được đặt ra.

Đã có thời điểm tỷ giá thị trường tự do thấp hơn tỷ giá do NHNN công bố, mọi đối tượng đến NH mua, bán USD một cách dễ dàng. Khi đó để bán được ngoại tệ cho NH, người bán còn phải trả phí.

Vì thế, các biện pháp quản lý xét cho cùng phải dựa trên diễn biến tỷ giá, đó mới là cái gốc của vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường ngoại tệ: “Quất” mạnh, “tắc” nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO