Thị trường không còn "sợ FED"?

LÊ PHAN| 21/06/2017 08:36

Có vẻ như giới đầu tư đã không còn ngần ngại với chính sách lãi suất của FED, vốn đã đoán trước được.

Thị trường không còn

Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% trong cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, theo đó lãi suất tăng từ 0,75 - 1% lên mức 1 - 1,25%. 

Dù vậy, thị trường chỉ "giật mạnh" trong chốc lát ngay trước và sau thời điểm thông tin được công bố. Có vẻ như giới đầu tư đã không còn ngần ngại với chính sách lãi suất của FED, vốn đã đoán trước được.

Thị trường nhanh chóng ổn định

Đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác từ 0,5 - 1% trước thời điểm FED công bố thông tin tăng lãi suất, tuy nhiên sau khi tin chính thức được công bố, đồng bạc xanh đã quay đầu tăng giá trở lại. Chỉ số USD Index chỉ trong vòng một giờ rớt 0,5% từ vùng 97 xuống dưới 96,5, tuy nhiên đã bật nhanh trở lại tăng lên hơn 97,5 trước khi điều chỉnh về giao dịch quanh 97,2 như hiện nay.

Giá vàng thế giới cũng có một phiên giao dịch tăng hơn 10 USD/oz trong sự rớt giá của đồng USD, tuy nhiên sau khi FED chính thức công bố tăng lãi suất thì giá vàng đã giảm một mạch hơn 20 USD/oz, rớt từ 1.280 USD/oz về dưới 1.260 USD/oz và hiện đang giao dịch quanh 1.250 USD/oz.

Diễn biến cho thấy thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại như trước thời điểm FED công bố thông tin tăng lãi suất. Đồng USD mặc dù được hỗ trợ phục hồi trở lại nhưng cũng không quá mạnh và cách biệt so với trước khi FED tăng lãi suất. Thị trường dường như đã đoán trước được động thái của FED sau các dự báo gần đây đều cho rằng xác suất FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6 luôn duy trì hơn 90%.

Sẽ thu hẹp bảng cân đối tài sản

Do việc tăng lãi suất đã gần như đoán trước được nên thị trường tập trung nhiều hơn vào kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản của FED trong thời gian sắp tới. Cụ thể, để giảm quy mô khối tài sản hơn 4,5 nghìn tỷ USD thì FED sẽ giảm dần lượng chứng khoán đang sở hữu bằng việc giảm tái đầu tư tiền gốc nhận được khi trái phiếu đáo hạn.

Theo đó, ban đầu sẽ có tối đa 6 tỷ USD tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư mỗi tháng, tiếp đó cứ 3 tháng tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư sẽ tăng thêm 6 tỷ USD đến khi đạt 30 tỷ USD mỗi tháng và kéo dài 12 tháng.

Đối với trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, ban đầu sẽ có tối đa 4 tỷ USD tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư mỗi tháng, tiếp đó cứ 3 tháng tiền gốc trái phiếu đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư sẽ tăng thêm 4 tỷ USD đến khi đạt 20 tỷ USD mỗi tháng và cũng kéo dài 12 tháng.

Nếu theo đúng kế hoạch trên thì sau một năm, quy mô tài sản của FED sẽ giảm được 50 tỷ USD mỗi tháng và khả năng sẽ duy trì cho đến khi bảng cân đối đạt trạng thái bình thường ở khoảng 2.500 tỷ USD.

Được biết trước giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007, FED chỉ nắm giữ lượng tài sản trị giá khoảng 850 tỷ USD, tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng FED đã liên tiếp thực thi các chính sách nới lỏng định lượng QE 1, QE 2 và QE 3 để bơm thêm tiền vào nền kinh tế, giữ lãi suất ở mức thấp giúp ngăn chặn khủng hoảng và đà rơi của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi kinh tế đang dần phục hồi, lạm phát đang tiến dần tới mục tiêu 2% thì ngoài chính sách tăng lãi suất, FED tin rằng đã đến lúc thu hẹp bảng cân đối tài sản.

Đồng USD có thể tiếp tục được hỗ trợ

Việc FED thu hẹp quy mô tài sản bằng cách ngừng tái đầu tư, theo đó có thể giảm lượng cung tiền vào nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD ngoài chính sách tăng lãi suất. Thậm chí giới quan sát cho rằng chính sách thu hẹp quy mô tài sản có thể thay thế cho chính sách tăng lãi suất để hỗ trợ đồng USD trong dài hạn.

Về cơ bản, nếu lượng cung tiền trong một nền kinh tế giảm xuống sẽ làm tăng giá của đồng tiền đó so với các đồng tiền khác cũng như khả năng tăng lãi suất vay mượn đồng tiền đó. Dù vậy, theo kết quả thăm dò ý kiến 43 chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho thấy dự báo là FED sẽ nâng lãi suất thêm 2 đợt nữa trong năm 2017. Từ nay đến cuối năm, FED sẽ còn 4 lần nhóm họp và nếu tăng lãi suất, khả năng sẽ rơi vào các cuộc họp kỳ tháng 9 và tháng 12.

Trước triển vọng trên, đồng USD có thể tiếp tục được hỗ trợ trong dài hạn, trong khi các đồng ngoại tệ khác và giá vàng chịu nhiều áp lực trước sự tăng giá của đồng USD. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như trái phiếu và chứng khoán cũng chịu áp lực trước đà tăng của lãi suất và kế hoạch thu hẹp quy mô tài sản từ đó giảm lượng cung tiền trong lưu thông. Dù vậy, nếu như các số liệu kinh tế ảm đạm, tăng trưởng và lạm phát không như kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao thì FED có thể hoãn lại kế hoạch trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường không còn "sợ FED"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO