Tay trái đập tay phải

TRÚC BẠCH| 22/09/2011 00:07

Mặc dù vẫn đang bế tắc để tìm hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh chính nhưng lãnh đạo của không ít các công ty chứng khoán lại rất “sáng tạo” trong các hành động trục lợi từ chính công ty đang hao mòn của mình.

Tay trái đập tay phải

Mặc dù vẫn đang bế tắc để tìm hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh chính nhưng lãnh đạo của không ít các công ty chứng khoán (CTCK) lại rất “sáng tạo” trong các hành động trục lợi từ chính công ty đang hao mòn của mình.

Giai đoạn 2010-2011 và cả năm 2008 đều là những giai đoạn cực kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đáng chú ý là đi kèm theo đó là những hành động trục lợi đều tăng rất mạnh. Từ chuyện nhân viên môi giới ôm tiền bỏ trốn, đến việc lãnh đạo CTCK làm thâm hụt tiền của công ty hàng trăm tỷ đồng, tất cả đều xảy ra với mật độ dày hơn và nghiêm trọng hơn.

Tại CTCK thuộc một tập đoàn tài chính lớn, mặc dù thị trường khó khăn, nhưng nhân viên môi giới vẫn tìm ra cách sống sót cho mình. Một số nhà đầu tư (NĐT) VIP do thua lỗ khá nặng nên quyết tâm gỡ gạc bằng cách sử dụng margins (đòn bẩy tài chính) với tỷ lệ cao hơn. Nhưng do từ đầu năm đến này, tín dụng cho chứng khoán bị siết, nên muốn vay cũng không hề đơn giản.

Chính vì vậy, giữa NĐT và bộ phận môi giới, xét duyệt cấp tín dụng chứng khoán sẽ có những thỏa thuận ngầm theo hướng đôi bên cùng có lợi: tôi có tiền, còn anh vài phần trăm Nhưng sử dụng đòn bẩy càng lớn, khi thị trường sụt giảm, lại lỗ càng nhiều và những trường hợp NĐT bị cháy tài khoản, CTCK cấp margins bị âm vốn liên tục xảy ra.

Thông thường, khi NĐT chán không muốn giao dịch tại một CTCK nào đó, sẽ bán hết cổ phiếu rút hết tiền và chuyển sang nơi khác, để lại một tài khoản rác, nhưng vô tình đây lại là cơ hội trục lợi cho CTCK.

Các CTCK có thể sử dụng tài khoản ảo này để tạo ra các giao dịch “ma”, hay thậm chí chẳng cần giao dịch, nhưng lại làm một bộ hồ sơ đề nghị ngân hàng cho vay để ứng trước tiền bán cho tài khoản này. Sau khi số tiền này được “ứng” ra ngoài thì không dễ xác định được sẽ dùng để làm việc gì.

Chính vì vậy mới có câu chuyện, thị trường chứng khoán khó khăn từ năm ngoái đến giờ, nhưng lại có những sếp có tiền đi mua nhà mua đất. Hoặc trường hợp một NĐT đã bỏ tài khoản tại CTCK cách đây vài năm nhưng đột ngột lại được cơ quan điều tra mời lên để xác minh có phải đã vay một khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng hay không. Nghe đến đây, không ít NĐT kỳ cựu cũng phải rùng mình.

Có một thực tế là những khi CTCK có chuyện thì các lãnh đạo công ty lại luôn cố tình ém nhẹm. Sau khi một bài viết có nội dung nghi vấn về việc CTCK mất thanh khoản được đăng tải trên một tờ báo hàng đầu lớn về tài chính hồi đầu tuần, lập tức lãnh đạo công ty đã “phản bác” rất quyết liệt.

Lý do được vị CEO của CTCK đưa ra là chỉ do một vài sai sót nghiệp vụ nên mới có chuyện khách hàng yêu cầu rút tiền mặt ngay nhưng không được và khẳng định thanh khoản vẫn rất tốt. Biết tin ai?

Theo những người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán cho biết, việc CTCK mất thanh khoản có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: CTCK cấp margins cho NĐT nhưng không kịp thu hồi để trả cho ngân hàng, đành phải bỏ vốn của mình để thanh toán; CTCK lấy tiền của chính khách hàng để đi tự doanh nhưng thua lỗ nặng nề và phải xoay tiền từ ngân hàng, thậm chí vay nóng để bù đắp.

Cá biệt có những trường hợp, CTCK đưa tiền sang CTCK khác để... tự doanh nhằm được cấp đòn bẩy với tỷ lệ cao hơn. Một lãnh đạo CTCK khi được hỏi về vấn đề này đã hỏi ngược lại người viết bài rằng: Bây giờ bạn của chị đưa cho chị một số tiền lớn nhờ giữ hộ 6 tháng sẽ lấy lại. Liệu chị có để đó và không sử dụng không?

Hiện tại, nếu điểm lại cơ cấu cổ đông của nhiều CTCK, nhất là những CTCK nhỏ, sẽ thấy HĐQT hay ban lãnh đạo đều sở hữu tỷ lệ thấp. Tỷ lệ thấp cũng có thể dẫn đến trách nhiệm, ràng buộc với công ty kém, và điều này có thể tạo cơ hội để trục lợi.

Cho dù CTCK có thua lỗ, cổ phiếu họ nắm giữ có giảm giá thì thiệt hại này vẫn còn rất nhỏ so với những khoản trục lợi bất chính khác.

Đến khi nào cổ đông góp vốn, khách hàng nộp tiền vào CTCK mới không bị “xẻ thịt”? Câu trả lời thật không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tay trái đập tay phải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO