Sự suy thoái của một ngành nghề

MINH VŨ| 24/11/2011 08:49

Bao giờ công ty chứng khoán sẽ phá sản? Đây là câu hỏi của không ít nhà đầu tư (NĐT) khi chứng kiến hoạt động thua lỗ, mất thanh khoản tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK). Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được thỏa mãn.

Sự suy thoái của một ngành nghề

Bao giờ công ty chứng khoán sẽ phá sản? Đây là câu hỏi của không ít nhà đầu tư (NĐT) khi chứng kiến hoạt động thua lỗ, mất thanh khoản tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK). Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được thỏa mãn.

Chỉ mới phá sản niềm tin

Trong suy nghĩ của nhiều người, CTCK phá sản vẫn là một điều “ghê gớm”. Người ta lo ngại một CTCK, thành tố quan trọng của thị trường vốn, nếu đổ bể có thể dẫn đến hệ quả dây chuyền, từ đây họ quả quyết rằng nếu CTCK có “sa lầy” cỡ nào cũng sẽ được cứu.

Bằng chứng là tin đồn và nhận định về chuyện CTCK phá sản đã có từ rất lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa trở thành hiện thực hay CTCK có dấu hiệu mất thanh khoản từ lâu nhưng giờ vẫn còn “sống”.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho biết: “Theo luật phá sản, khi đến thời hạn doanh nghiệp không trả được nợ thì chủ nợ có quyền nộp đơn lên tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản. Như vậy, nếu CTCK không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền, NĐT có thể yêu cầu phá sản.

Nhưng thực tế, chẳng ai muốn làm to chuyện, chỉ tìm cách nhanh chóng lấy được tiền. Điều này âu cũng hợp lý đứng trên góc độ một NĐT cá nhân, nhưng đã và đang tạo nên những CTCK “sống thực vật”, thanh khoản chập chờn hay hoạt động cầm chừng”.

Thêm vào đó, những vụ việc trục lợi, lừa đảo NĐT hoặc cổ đông thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mặt báo. Thị giá nhóm CP của CTCK hiện được xếp vào loại bèo nhất trên thị trường với những mã CK có giá chỉ từ 2.000-3.000 đồng/CP như SME, ORS hay TAS.

Có thể nói, niềm tin của NĐT dành cho CTCK đã bị phá sản và nhiều người còn đùa rằng, giờ mà có tin CTCK nào phá sản được công bố thì cũng chẳng còn niềm tin để mà mất.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định rằng, CTCK phá sản báo hiệu sự suy thoái của một ngành nghề, nhưng đây là điều chúng ta phải chấp nhận bởi thị trường chứng khoán sẽ còn khó khăn trong vài năm tới.

Chúng ta không nên quá thổi phồng những cái gọi là lực cản hay hệ quả nếu CTCK phá sản. CTCK hoạt động không hiệu quả, chất lượng dịch vụ kém, NĐT bỏ đi, thị trường khó khăn, tự doanh thua lỗ, chi phí ăn dần đến khi không có tiền trả lương, nhân viên bỏ đi. Lúc này phá sản cũng là đúng đắn vì không còn hoạt động gì cả.

Còn có phao cứu sinh

Theo một số chuyên gia, các CTCK có vốn tầm 20-30 tỷ đồng, hoạt động yếu kém nếu trong năm tới không bán được giấy phép, thì nhiều khả năng sẽ không còn đủ chi phí để duy trì sẽ phải phá sản. Nhưng số này sẽ không nhiều khi phần lớn CTCK đều đang cố bấu víu vào những phao cứu sinh “đặc chế” cho riêng mình.

Một chuyên gia chứng khoán nhận định: Việc CTCK phá sản trong khoảng 1 năm đổ lại còn ít. Thậm chí, CTCK nếu có dấu hiệu phá sản cũng chưa xảy ra đến điều này trong thực tế.

Không ít CTCK có phần vốn của các tập đoàn kinh tế, “nuôi lớn” hay “hồi sức” thì khó chứ “nuôi sống” thì rất đơn giản. Hơn nữa, phá sản là mất trắng nên duy trì đợi thị trường hồi phục để bán thì tốt hơn.

Một vài CTCK được đánh giá có thể duy trì sự tồn tại được là những công ty được thành lập hoặc rót vốn cách đây 1-2 năm, chưa kịp giải ngân thì thị trường đã không thuận lợi.

Những CTCK này thường chỉ bị lỗ chi phí và giá bán cho các đối tác sẽ tương đương với giá trị sổ sách. Mặt hàng này được ưa chuộng bởi khá “sạch” nên có thể “sang tay” khá dễ dàng nhưng số lượng không nhiều.

Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường chứng khoán vẫn không có dấu hiệu khởi sắc thì những tổ chức hay NĐT cũng sẽ chán ngán.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs, nhận định: “Thị trường mua bán nợ của các CTCK có thể nở rộ trong thời gian tới, điều này đã xuất hiện tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới khi gặp khó khăn.

Theo đó, các tổ chức có thể mua lại nợ của CTCK từ các chủ nợ ban đầu và sinh lợi theo 2 hướng: hoặc tiếp tục bán lại cho một tổ chức khác, hoặc đứng ra đẩy mạnh quá trình thu hồi nợ”.

Ông Lân dẫn ví dụ: CTCK A nợ ngân hàng B 100 tỷ đồng và B có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi. Tuy nhiên, một công ty C với thế mạnh thu hồi nợ có thể đề xuất mua lại nợ từ B với giá 40 tỷ đồng.

Sau khi mua nợ, C có thể tìm nhiều cách khác nhau để thúc đẩy, hỗ trợ A thu hồi nợ từ khách hàng. Nếu A thu về được 50 - 60 tỷ đồng và trả cho C thì coi như C lãi từ 10 - 20 tỷ đồng cho việc mua nợ.

Như vậy, kỳ vọng sẽ có một cuộc đại phẫu các CTCK thông qua việc phá sản để còn lại những CTCK có chất thực sự xem chừng khó xảy ra trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự suy thoái của một ngành nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO