STK và VGG: Ai lợi thế hơn khi TPP có hiệu lực?

LÂM ANH| 06/04/2016 08:38

Vốn là doanh nghiệp may có doanh thu lớn cùng với định vị thương hiệu tốt, giá cổ phiếu VGG đã lập tức leo trần ngay những phút đầu tiên chào sàn.

STK và VGG: Ai lợi thế hơn khi TPP có hiệu lực?

Năm trước, khi các thông tin về TPP đang "hot" thì sự gia nhập đúng thời điểm của một thành viên mới ngành dệt may là Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) được chào đón khá tích cực. Bước sang năm 2016, ngành tiếp tục "kết nạp" thêm cổ phiếu của Tổng công ty CP May Việt Tiến giao dịch trên sàn Upcom với mã VGG khiến người ta kỳ vọng cổ phiếu ngành dệt may sẽ "làm nên chuyện". 

Đọc E-paper

Vốn là doanh nghiệp (DN) may có doanh thu lớn (lên đến 288 triệu USD trong năm 2015) cùng với định vị thương hiệu tốt, giá cổ phiếu VGG đã lập tức leo trần ngay những phút đầu tiên chào sàn.

Có thể dễ dàng nhận thấy kết quả kinh doanh (KQKD) các năm gần đây của VGG có sự tăng trưởng khá tích cực với doanh thu và lợi nhuận (CAGR) lần lượt đạt 17,4% và 17,2% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Năm 2015, doanh thu của Công ty đạt hơn 6.400 tỷ đồng, cao nhất so với các DN niêm yết cùng ngành. Có được KQKD khả quan ấy một phần nhờ VGG có hệ thống phân phối rộng và có chiến lược định vị thương hiệu khá tốt với nhiều thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến như viettien, viettien smart casual...

So với nhiều DN cùng ngành, VGG có quy mô vốn hóa và doanh thu lớn nhất. Khi giá đóng cửa ở mức 56.000 đồng/CP thì vốn hóa của DN này lên đến 2.352 tỷ đồng (đã bao gồm số lượng cổ phiếu mới chuyển đổi).

Tuy nhiên, do là DN may đơn thuần (CMT), tỷ lệ các đơn hàng FOB và ODM còn khá khiêm tốn nên biên lợi nhuận của VGG nhìn chung khá thấp so với các DN có chu trình sản xuất khép kín như TCM hay DN về sợi như STK.

Nói về STK, người ta bắt đầu nhận thấy sự bứt phá của DN này, nhất là với một số thông tin mới ghi nhận tại đại hội cổ đông thường niên.

Thứ nhất, giá dầu đang trong xu hướng phục hồi nhẹ, kéo theo giá sợi trong các tháng đầu năm tăng khoảng 10 cent/kg. Dù giá nguyên liệu đầu vào là hạt chip cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn nên biên lãi gộp của STK kỳ vọng được cải thiện.

Thứ hai, khối lượng đơn đặt hàng sợi tăng khá trong các tháng đầu năm, đặc biệt là các đơn hàng từ Hàn Quốc. Kể từ khi thuế suất theo hiệp định FTA với Hàn Quốc giảm từ 8% về 0% có hiệu lực (1/1/2016), nhiều khách hàng từ Hàn Quốc đã tới thăm nhà máy của Công ty để tìm hiểu và đặt hàng.

STK kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty (khoảng 17 - 20% trong năm 2016).

Thứ ba, từ năm nay, STK sẽ có thêm mảng sản phẩm mới là sợi tái chế. Đây là loại sợi cho biên lợi nhuận tốt hơn sợi hiện tại của STK nhờ giá bán tốt hơn và có triển vọng tăng trưởng nhưng cũng yêu cầu chất lượng khá khắt khe. Công ty đang hoàn tất quy trình để được cấp chứng chỉ sản xuất loại sợi tái chế này.

Với nền tảng có được, trong năm 2016, STK đặt kế hoạch tăng trưởng khá mạnh với sản lượng đạt 45.176 tấn, tăng 47% so với năm trước. Được biết, chỉ trong gần 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Công ty đã đạt 21% kế hoạch năm. Triển vọng tiêu thụ trong các quý II và III kỳ vọng tiếp tục khả quan do sự gia tăng các đơn hàng cho vụ Thu Đông.

Ước tính doanh thu và lãi suất sau thuế (LSST) có thể đạt 1.536 tỷ đồng (tăng 48,36%) và 115 tỷ đồng (tăng 61%). EPS năm 2016 ước tính đạt 2.714 đồng/CP, tương ứng với mức P/E là 10,6.

Về dài hạn, triển vọng của STK sẽ càng tích cực nhờ có Nhà máy Trảng Bàng 3 hoạt động ổn định hơn và khối lượng đơn hàng kỳ vọng tăng tốt khi các hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, với đà giảm giá bông, giá dầu kéo theo sụt giảm mạnh giá sợi đã có tác động tiêu cực đến KQKD của STK. Sản lượng sợi tiêu thụ chỉ đạt 26.885 tấn, giảm khoảng 18,7% so với năm 2014 cộng với giá bán sợi giảm trung bình 12%, doanh thu có sự giảm mạnh, khoảng 29% và LNST chỉ đạt 71,3 tỷ đồng, tương đương với EPS 1.537 đồng/CP.

Trong khi đó, biên lợi nhuận ròng của VGG vẫn tốt hơn tương đối so với các DN may thông thường như TNG, GMC, GIL. Hiện tại, cổ phiếu VGG đang được giao dịch ở mức P/E 8,96 lần, thấp hơn mức trung bình 11,2 lần của ngành. Còn chỉ số P/B hiện ở mức 2,35 lần, cao hơn mức trung bình ngành là 1,77 lần.

Tương tự như các DN trong ngành, Việt Tiến sẽ chịu tác động tiêu cực từ chính sách bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo ước tính, Việt Tiến phải đóng thêm khoảng 50 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên, cùng với chính sách tăng lương tối thiểu vùng thêm khoảng 13% thì gánh nặng chi phí nhân công có thể sẽ tăng mạnh từ năm 2016.

Có lẽ chính vì vậy mà VGG đặt kế hoạch tương đối thấp cho năm 2016 với doanh thu 6.300 tỷ đồng (giảm 1,7% so với cùng kỳ) và lãi ròng 200 tỷ đồng (giảm 39,5% so với cùng kỳ).

Với thương hiệu mạnh nói chung và STK nói riêng, giới chuyên môn cho rằng VGG sẽ là một trong những DN được hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là TPP khi hiệp định này có hiệu lực.

>Cổ phiếu bị ETF loại: Chưa chắc đã xấu

>Cổ phiếu REE: Sự chững lại nhất thời?

> Nữ triệu phú 9x mua thêm cổ phiếu REE

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
STK và VGG: Ai lợi thế hơn khi TPP có hiệu lực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO