Sacombank: Không chỉ là thay những chiếc ghế

QUỲNH VŨ| 07/11/2012 09:26

Chuyện lãnh đạo ACB bị bắt vừa lắng xuống, thông tin HDBank và DaiA Bank sáp nhập chưa qua thì việc từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Sacombank khiến thị trường tài chính một lần nữa xôn xao.

Sacombank: Không chỉ là thay những chiếc ghế

Chuyện lãnh đạo ACB bị bắt vừa lắng xuống, thông tin HDBank và DaiA Bank sáp nhập chưa qua thì việc từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Sacombank khiến thị trường tài chính một lần nữa xôn xao.

Đọc E-paper

Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Sacombank là hơn 10.400 tỷ đồng, trong đó ông Đặng Văn Thành vẫn đang nắm giữ hơn 3,98% cổ phần, ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) nắm giữ 3,46% cổ phần. Thực ra, bản thân ông Đặng Văn Thành đã từng đề nghị được thôi chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 27/7/2012.

Tuy nhiên, lúc đó, một số cổ đông đề nghị ông Thành tiếp tục giữ chức vụ này cho đến hết thời gian Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh tra Sacombank (gần 2 tháng). Đến ngày 5/10, quá trình thanh tra Sacombank kết thúc.

Khi ông Thành được mời lên cơ quan điều tra làm việc, HĐQT có cuộc họp và thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/11, theo đề nghị của ông Thành trước đây. Vì vậy, việc thôi giữ chức của ông Thành không được xem là thông tin gây sốc đối với cổ đông.

Nhưng trong mắt khách hàng và đối tác, ông Đặng Văn Thành không những là người sáng lập mà còn gắn bó với Sacombank hơn 20 năm qua, nên sự ra đi này cũng gây hụt hẫng đối với nhiều người. Do đó, dù chưa có con số chính xác về lượng tiền ra vào Sacombank trong mấy ngày cuối tuần nhưng NHNN cũng đã phải chuẩn bị sẵn 28.000 tỷ đồng để kịp thời ứng cứu nếu "xảy ra bất cứ vấn đề phát sinh nào".

Sacombank cũng thành lập Ban Chống khủng hoảng, gắn kết thông tin với NHNN để ứng phó kịp thời khi nhu cầu giao dịch tăng đột biến. Tuy nhiên, đại diện NHNN đánh giá thanh khoản của Sacombank khá tốt, có dấu hiệu tích cực.

Theo số liệu Sacombank công bố, kết thúc 10 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế là 2.259 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,26% và tất cả các tỷ lệ an toàn hoạt động đều được đảm bảo theo đúng quy định.

Tại thời điểm 31/10/2012, tổng tài sản của Sacombank đạt 149.689 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011; tiền gửi và cho vay của Sacombank tại các tổ chức tín dụng khác là 15,377 tỷ đồng, tăng 59% so với số dư đầu năm. Tổng tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác giảm 54% trong 10 tháng qua, ở mức 5,671 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cuối năm 2011 (trong đó bằng tiền đồng đạt 72.459 tỷ tăng 14%), với lượng vốn cho vay khách hàng đạt hơn 84.452 tỷ đồng (đã trích lập 1.139 tỷ đồng dự phòng rủi ro). Tiền gửi của khách hàng vào Sacombank đạt 121.528 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm (trong đó bằng tiền đồng tăng 27%).

Những con số thống kê trên cho thấy bộ máy kinh doanh của Sacombank hoạt động trong 3 quý kết quả đạt được khá tốt, đủ làm yên lòng nhiều nhà đầu tư và khách hàng.

Tuy nhiên, nhìn dài hạn, Sacombank còn phải làm nhiều hơn thế để đạt được sự phát triển thực sự bền vững. Chẳng hạn, đối với khoản lỗ của Công ty Chứng khoán SBS khoảng 1.772 tỷ đồng, dù chỉ sở hữu 11% nhưng là cổ đông lớn, nên ít nhiều Sacombank cũng chịu tổn thất.

Theo dữ liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 30/9, tổng tài sản của các NHTMCP đã giảm 7,06% so với cuối năm 2011, xuống còn 2.102.518 tỷ đồng. Tổng tài sản của toàn hệ thống NH cuối tháng 9 giảm 1,89%, xuống 4.866.117 tỷ đồng, thay vì mức tăng 1,42% tại thời điểm cuối tháng 8.

Điều này cũng được ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank thừa nhận: "Chúng tôi cũng có trách nhiệm cùng với công ty này xử lý.

Cụ thể, Sacombank đã tiến hành thay đổi nhân sự, cử ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch Sacombank sang làm Chủ tịch SBS. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có phương án tái cấu trúc lại SBS".

Không chỉ SBS, thông tin mới nhất cho biết cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành kiểm tra đối với Công ty Vàng Bạc Đá quý Sacombank (SBJ) và tiếp tục kiểm tra thêm nhiều công ty con của Sacombank trong thời gian tới...

Quả thật, cách đây không lâu, Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poors (S&P) từng cho rằng, nợ xấu của Sacombank thấp hơn so với các ngân hàng khác tại Việt Nam, nhưng khó ước tính được nợ xấu thật sự theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, danh sách khách hàng vay nợ của Sacombank không gồm các tổ chức gặp khó khăn là yếu tố tích cực cho ngân hàng này. S&P cũng chỉ ra nguồn thu lớn của ngân hàng vẫn đến từ hoạt động tín dụng, vì vậy Sacombank cần thận trọng hơn trong quản trị rủi ro.

Có lẽ đó cũng là lý do mà ông Phú nói rằng, dự kiến năm 2012, Sacombank chỉ có thể đạt được khoảng 75 - 80% kế hoạch đề ra vì tình hình khó khăn chung.

Như vậy, về cơ bản, việc thay đổi nhân sự của Sacombank lúc này chưa thể nói lên điều gì về tương lai của NH này. Có điều, đây là giải pháp tốt nhất mà Sacombank chọn để ổn định tâm lý khách hàng trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên rằng, giờ đã đến lúc Sacombank phải rốt ráo bắt tay vào việc tái cơ cấu. Chẳng hạn, hiện nay Sacombank có 27 thành viên HĐQT, trong thời gian tới có thể sẽ được thu gọn lại còn 15 hoặc 17 để bộ máy gọn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Đặc biệt tái cấu trúc để dễ dàng thực hiện kế họach tìm kiếm đối tác nước ngoài, bán 15% cổ phần của NH. Theo ông Phú, hiện nay Sacombank đang có một danh sách 7 nhà đầu tư. Đến nay, đang trong giai đoạn cuối của tìm hiểu nên trong vòng khoảng 4 tháng nữa Sacombank sẽ ký kết được hợp đồng hợp tác với một trong những đối tác này, và khả năng rất lớn sẽ là một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Ông Phạm Hữu Phú cam kết sẽ tạo ra một HĐQT minh bạch, chuyên nghiệp, giảm vai trò cá nhân ở mức thấp nhất, mọi quyết định dựa vào tập thể để thực thi nhằm duy trì sự ổn định, hướng đến mục tiêu trở thành NH bán lẻ hàng đầu. Sau khi bán 15% cổ phần cho đối tác nuớc ngoài, có thể Sacombank sẽ điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sacombank: Không chỉ là thay những chiếc ghế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO