Rắc rối nợ xấu thị trường liên ngân hàng

QUỲNH CHI| 01/12/2011 08:37

Càng về cuối năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) càng phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn lẫn môi trường kinh doanh nên tín dụng gần như không tăng. Nhằm ém vấn đề thiếu thanh khoản, các NH không ngại vay mượn lẫn nhau để rồi thị trường vốn đã rối còn thêm rối.

Rắc rối nợ xấu thị trường liên ngân hàng

Càng về cuối năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) càng phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn lẫn môi trường kinh doanh nên tín dụng gần như không tăng. Nhằm ém vấn đề thiếu thanh khoản, các NH không ngại vay mượn lẫn nhau để rồi thị trường vốn đã rối còn thêm rối.

Nợ dưới chuẩn tăng cao

Trên thực tế, trong thời gian qua, các NH thực hiện trần lãi suất 14%/năm đều nói rằng không huy động được vốn nên buộc họ phải vay trên thị trường liên NH kỳ hạn tuần.

Dù vay trên thị trường 2 (thị trường liên NH) phải trả lãi suất cao hơn nhưng vẫn dễ thở hơn việc huy động vốn từ phía người dân.

Việc này dẫn đến nợ dưới chuẩn tăng cao, không chỉ trên thị trường tín dụng với thị trường 1 (huy động từ dân cư) mà còn lây lan sang thị trường liên NH.

Xu hướng lây lan nợ xấu làm NHTM tốt cũng bị ảnh hưởng và khó khăn theo.

Một số NHTM (thường cho vay thị trường 2) cho biết đang chịu áp lực phải giảm nợ xấu xuống dưới 3%, nếu không sẽ không được mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ.

Một lãnh đạo của NH giải thích rằng, lý do của việc không huy động được phần lớn do áp lực nợ dưới chuẩn đang tăng mạnh, chưa kể nguồn vốn huy động trên thị trường có xu hướng sụt giảm do người dân đổ xô mua vàng, khiến các NHTM rất khó cân đối vốn để cho vay.

Vì vậy, mấy ngày gần đây, nhân viên nguồn vốn của đơn vị chỉ có một việc là đi đòi nợ liên NH để giúp tạo thanh khoản cuối năm. Bên cạnh đó, NH đặt ra chỉ tiêu năm 2012 chủ yếu ở tăng trưởng huy động hơn là cho vay.

Cùng quan điểm, bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, nói rằng, NH muốn tăng trưởng tín dụng cũng không dễ, bởi bản thân khách hàng trải qua giai đoạn khó khăn nên đã tính toán rất kỹ khi nhận nợ. Thời điểm này khách hàng lớn và tốt dứt khoát không nhận nợ giá cao.

Cần chấn chỉnh nguồn vốn ở thị trường 2

Từ thực tế trên dẫn đến nghịch lý khó ai ngờ là những khoản nợ xấu trên thị trường 1 đôi khi còn thấp hơn khoảng nợ xấu trên thị trường 2 mặc dù mức độ tín nhiệm 2 loại khách hàng này khác nhau.

Lý do là NH ngại nói với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để vay bù đắp thanh khoản vì sợ bị NHNN giám sát đặc biệt, sẽ lộ ra rất nhiều bê bối của NH nên các NH quyết định vá víu bằng việc vay mượn lẫn nhau.

Và từ những lộn xộn của thị trường 2 làm cho toàn thị trường nguồn vốn bế tắc. Thậm chí, hiện nay, một số NHTM sợ các NH bạn không trả nợ được nên không dám cho vay nói gì đến chuyện NHTM cho doanh nghiệp (DN) vay.

Như vậy, để có thể giải quyết được nguồn cho DN vay, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc NHNN phải bảo vệ hệ thống NHTM bằng nhiều giải pháp làm. Chẳng hạn, NHNN chấn chỉnh các hợp đồng tín dụng của các NHTM nhỏ, thậm chí mua lại một số khoản nợ NHTM nhỏ và coi như là một hình thức quốc hữu hóa.

Ví dụ như năm 2011-2004, Việt Nam cũng phát hành một loại trái phiếu đặc biệt cho các NHTM nhưng nằm trong tay NHNN, khi nào thiếu tiền thì NHNN mua và coi như khoản nợ sau này các NHTM trả dần.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng cần phải thực hiện một cách linh hoạt vì hiện nay các ông chủ NH sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, sớm muộn gì họ cũng quay lại đổ vốn vào các dự án bất động sản với thủ thuật kín đáo, tinh vi hơn. Khi đó, 5-6 năm sau nợ xấu của NHTM Việt Nam sẽ quay lại như cũ.

NHNN cũng có thể điều tiết vốn thị trường 2 bằng tăng dự trữ bắt buộc và dùng dự trữ bắt buộc ấy để cho NHTM nhỏ vay coi như điều tiết vốn từ NHTM lớn sang nhỏ mà không cần phải in tiền. Hình thức chủ yếu là cho vay với kỳ hạn 1 năm.

Ngoài ra, NHNN cũng có thể dùng cách điều tiết vốn bằng môi giới giữa NH thiếu vốn sang NH thừa vốn, NHNN đứng giữa thu phí...

Thể hiện quan điểm trong việc giải quyết vấn đề thanh khoản của NHTM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nói rằng, ngoài việc củng cố thị trường 2, NHNN cũng cần tính đến tiến tới lộ trình bỏ trần lãi suất huy động để củng cố và khôi phục thị trường 1.

Bởi tất cả những biện pháp hành chính nếu duy trì lâu dài sẽ là biện pháp cực kỳ nguy hiểm vì sẽ dẫn đến việc các NHTM “lách” luật.

Tuy nhiên, việc phải làm cấp bách lúc này là các NHTM cần đảm bảo cam kết vốn lưu động để DN chứ không như hiện nay nhiều NHTM cắt luôn vốn lưu động, trong khi vốn lưu động giống như hơi thở của DN. Tình trạng này kéo dài thì nợ xấu tự nhiên tăng lên là điều tất yếu.

Đến hết năm 2013, hoàn thành tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 25/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm lớn. Từ nay đến quý I/2012 phải hoàn thành xong hai nội dung.

Một là định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém. Từ quý II/2012 đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thuộc nhóm 3. Nhóm thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng mà đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải được tái cấu trúc lại.

Đối với nhóm các tổ chức tín dụng này, NHNN sẽ thông qua các biện pháp như thay đổi lại cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rắc rối nợ xấu thị trường liên ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO