Nỗi khổ của hội đồng quản trị

HỒ ĐẠT SANH| 09/06/2009 04:38

Tuần qua, Công ty cổ phần Gạch men Thanh Thanh đã tổ chức đại hội cổ đông tại hội trường công ty (TP. Biên Hòa). Mặc dù là công ty nhỏ (vốn điều lệ chưa đến 60 tỷ đồng), nhưng chương trình đại hội của Thanh Thanh đã kéo dài cả ngày.

Nỗi khổ của hội đồng quản trị

Tuần qua, Công ty cổ phần Gạch men Thanh Thanh đã tổ chức đại hội cổ đông tại hội trường công ty (TP. Biên Hòa). Mặc dù là công ty nhỏ (vốn điều lệ chưa đến 60 tỷ đồng), nhưng chương trình đại hội của Thanh Thanh đã kéo dài cả ngày.

Cổ đông gạch men Thanh Thanh trong đại hội cổ đông năm 2009

Việc triệu tập đại hội cổ đông năm nay của Gạch men Thanh Thanh không diễn ra suôn sẻ. Lần thứ nhất hồi giữa tháng 5, và lần này là tổ chức lại lần hai. Mới vào cuộc họp là đã tranh cãi về người chủ trì đại hội.

Theo Luật Doanh nghiệp thì người chủ trì đại hội phải là chủ tịch HĐQT công ty, thế nhưng, Chủ tịch HĐQT Thanh Thanh vừa mới từ nhiệm và một thành viên khác được đề cử lên thay là bà Châu Thị Diệu Phương, nhưng bà này không chủ trì mà để cho Tổng giám đốc thay thế.

Cổ đông Hồ Nhật Huy, đại diện cho Công ty Chứng khoán SHS, có ý kiến là nên làm đúng theo luật định. Thế là bà Diệu Phương phải lên ngồi ghế chủ tọa.

Đến phần đề cử nhân sự vào HĐQT, cổ đông lớn đại diện phần vốn nhà nước (Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1) đã đề cử ông Trịnh Bửu Tuân vào HĐQT với mục đích đưa thẳng ông này vào chức Chủ tịch HĐQT, nhưng lại bị nhóm cổ đông 10% bác vì không có đơn giới thiệu ứng cử cho kỳ đại hội lần 2 này.

Thực ra, ông Tuân đã được Tổng công ty giới thiệu ứng cử trong kỳ đại hội trước, lần này lại “quên”. Cái quên tai hại này đã làm cho đại hội phải nghe tranh cãi về tính cách hợp pháp của ứng cử viên. Trong đại hội còn nhiều việc liên quan đến bầu cử mà ban tổ chức đều sơ ý không làm đúng luật, tạo nguyên cớ để cổ đông bắt bẻ khiến thời gian đại hội kéo dài.

KINH DOANH KÉM HIỆU QUẢ

Có cổ đông yêu cầu HĐQT nên đi vào các vấn đề chính là trình bày phương án kinh doanh trong năm 2009 và công bố tỷ lệ cổ tức sẽ chia là bao nhiêu phần trăm, vì đây là vấn đề trọng tâm mà hầu hết cổ đông và người lao động muốn biết.Còn vấn đề bầu nhân sự cấp cao tuy quan trọng nhưng cổ đông ít quan tâm hơn.

HĐQT báo cáo doanh thu năm rồi đạt 283 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,8 tỷ đồng, tức chỉ đạt 64,3% so với kế hoạch đề ra là 12,2 tỷ đồng, đưa đến việc tỷ lệ cổ tức bị giảm từ 15% xuống còn 8% trong năm 2008.

Giải thích về việc này, Tổng giám đốc cho rằng ban điều hành không ứng phó kịp trước biến động của thị trường, cuối năm hàng tiêu thụ chậm nên lượng hàng tồn kho tăng cao so với năm 2007.

KHÔNG MUỐN TĂNG VỐN

Có một mục nằm trong phần biểu quyết của đại hội là cổ phiếu TTC có nên chuyển sàn niêm yết từ HOSE ra HaSTC. Đa số cổ đông của Thanh Thanh đều muốn cổ phiếu TTC tiếp tục ở lại sàn TP.HCM.

Thế nhưng không hiểu sao, lãnh đạo Thanh Thanh không quyết tâm trong việc tăng vốn điều lệ (hiện nay mới có 59 tỷ đồng) dù đã có đưa vào nghị quyết HĐQT hồi năm 2008.

Cổ đông Vũ Tam Đạo, thành viên HĐQT Thanh Thanh cho rằng, việc dời sàn chỉ là hệ quả của việc tăng vốn điều lệ. Nếu không tăng vốn được thì phải ra niêm yết tại HaSTC, còn tăng vốn được thì ở lại. Do đó đại hội không phải biểu quyết vấn đề này.

Cổ đông Hồ Nhật Huy cho rằng không khó có khả năng tăng vốn, ông đã tìm được đối tác để mua số cổ phần tương ứng với giá trị vốn phải tăng, có thể huy động được hơn 21 tỷ đồng để Thanh Thanh tiếp tục ở lại sàn HOSE. Vấn đề là TTC muốn bán cổ phần với giá thích hợp.

Về kế hoạch huy động vốn, bà Phan Thị Mỹ Linh, Chủ tịch HĐQT cũ cho biết, đã dự kiến dùng vốn huy động để góp vốn cho dự án sản xuất bentonite ở Bình Thuận của Công ty Linh Vũ Trân.

Tổng cộng số tiền cho dự án năm 2009 là 5,2 tỷ đồng. Đầu tư góp vốn (15,8 tỷ đồng) cùng với Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 thành lập Công ty cổ phần FICO Thanh Thanh để sản xuất gạch ceramic cao cấp tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A.

Dự định và nhất trí trước đại hội cổ đông là như thế, nhưng hiện nay HĐQT mới còn gặp nhiều khó khăn: Không biết các cổ đông lớn có thực tâm muốn tăng vốn hay không, vì tăng vốn mà phần cổ phần tăng không phải là của họ thì tỷ lệ phần vốn trong Công ty sẽ bị giảm, việc điều hành sẽ khó hơn.

Còn bỏ tiền ra mua thêm cổ phần thì cũng ngại, biết khi nào mới có lãi. Chi bằng giữ nguyên hiện trạng, dù có phải di dời niêm yết ở chốn xa xôi và thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi khổ của hội đồng quản trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO