Nhiều “hàng hóa” chờ đến lượt lên sàn

Nguồn TTXVN| 04/09/2009 07:53

Thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại là thời điểm thuận lợi, yếu tố quan trọng trong quyết định chọn thời điểm lên sàn của nhiều công ty.

Nhiều “hàng hóa” chờ đến lượt lên sàn

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng lấy lại “phong độ” và khởi sắc trở lại là thời điểm thuận lợi, yếu tố quan trọng trong quyết định chọn thời điểm lên sàn của nhiều công ty.

Nhiều thương hiệu lớn, ngành nghề hấp dẫn có mặt trong danh sách các công ty sắp niêm yết khiến thị trường chứng khoán dự báo sẽ sôi động trong giai đoạn cuối năm.

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp lên sàn với tổng số cổ phiếu niêm yết vào khoảng 350 triệu cổ phiếu.

Hấp dẫn nhiều mặt hàng

Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu tháng 8 đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp lên sàn với tổng số cổ phiếu niêm yết vào khoảng 350 triệu cổ phiếu. Ngoài những doanh nghiệp này, vẫn còn hàng loạt doanh nghiệp đang chờ tới lượt để đưa cổ phiếu lên sàn.

Nóng nhất có lẽ là việc chuẩn bị lên sàn của các cổ phiếu ngân hàng. Hiện nay, có 3 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết từ nay đến cuối năm. Đó là các Ngân hàng thương mại cổ phần: Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), Quân Đội (MB) và Sài Gòn (SCB). Vốn điều lệ của EIB hiện là 7.219 tỷ đồng, của SCB là 3.635 tỷ đồng và MB là 3.820 tỷ đồng.

Bên sàn HNX gồm có Công ty cổ phần Thương mại ximăng (6 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Ôtô Giải phóng (6,45 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng (5 triệu cổ phiếu), Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (8 triệu cổ phiếu).

Tuy nhiên, đây chưa phải là danh sách cuối cùng vì mới đây, cả HoSE và HNX tiếp nhận hàng loạt hồ sơ xin đăng ký niêm yết. Theo các chuyên gia chứng khoán, đã rất lâu rồi, sàn niêm yết mới lại có dịp sôi động đón các “tân binh” như hiện nay.

Các cổ phiếu lên sàn lúc này cũng rất đa dạng ngành nghề, từ tài chính, bất động sản, sản xuất kinh doanh đến dược phẩm, y tế... bổ sung một nguồn hàng lớn cho 2 sàn trong thời điểm từ nay đến cuối năm. Riêng “hàng khủng” như cổ phiếu của các ngân hàng trên, hiện được các nhà đầu tư săn lùng ráo riết trên sàn OTC.

Bên cạnh những doanh nghiệp xin niêm yết mới, các doanh nghiệp đang niêm yết cũng tranh thủ cơ hội phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Việc bổ sung thêm hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tốt cho sàn chứng khoán sẽ khiến thị trường duy trì được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, với lượng tiền đổ vào chứng khoán ngày càng tăng như hiện nay thì việc đưa cổ phiếu mới và cổ phiếu phát hành thêm sẽ dễ thành công hơn so với thời điểm chứng khoán ảm đạm.

Có áp lực nguồn cung?

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp ồ ạt đưa cổ phiếu lên niêm yết trong thời gian qua đã dấy lên nhiều lo ngại về hiện tượng cung vượt cầu và tác động không tốt đến thị trường chung.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC), làn sóng doanh nghiệp tận dụng thời điểm thị trường chứng khoán hồi phục đưa cổ phiếu lên niêm yết sẽ tạo nguồn cung đáng kể và tăng áp lực cho thị trường chung. Khả năng đến cuối năm, tình trạng cung vượt cầu là có thể xảy ra.

Mặt khác, khi một cổ phiếu mới đưa vào giao dịch, ít nhiều sẽ có một số nhà đầu tư cũ trên thị trường phân tán sang cổ phiếu mới. Việc phân tán sự chú ý sang các cổ phiếu mới đồng nghĩa với sức mua của thị trường đối với những cổ phiếu cũ bị pha loãng hơn.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng: “Không nên quá lo ngại về hiện tượng doanh nghiệp đua nhau đưa cổ phiếu lên sàn bởi càng có nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết thì thị trường chứng khoán càng hấp dẫn và nhà đầu tư có cơ hội lựa chọn những cổ phiếu để đầu tư.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là, hiện tượng doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần thận trọng trước khi quyết định tăng vốn. Vì một khi tăng vốn nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn như cũ hoặc đi xuống thì doanh nghiệp sẽ “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư.

Trên thực tế, vẫn có không ít doanh nghiệp dám nhìn thẳng vào thực tế và nói “không” với việc tăng vốn. Điển hình là Công ty cổ phần Gạch men Thanh Thanh TTC). Doanh nghiệp này nằm trong danh sách phải chuyển sàn do không đáp ứng vốn điều lệ tối thiểu là 80 tỷ đồng khi niêm yết trên sàn HoSE. Sau thời gian “đắn đo”, công ty vừa có quyết định không tăng vốn và chuyển sang giao dịch trên sàn HNX.

Ông Trịnh Bửu Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC, cho biết với tình hình hiện nay thì việc triển khai các dự án mới là không có hiệu quả nên TTC chưa thể triển khai tăng vốn điều lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều “hàng hóa” chờ đến lượt lên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO