Nhiều DN đã vượt qua trở ngại tài chính

HOÀNG LONG| 05/11/2014 03:28

Có thời điểm nhà đầu tư (NĐT) phải chứng kiến cổ phiếu BMP (Nhựa Bình Minh) đứng trên bờ vực khi doanh nghiệp (DN) này đối mặt với khoản nợ thuế lớn.

Nhiều DN đã vượt qua trở ngại tài chính

Có thời điểm nhà đầu tư (NĐT) phải chứng kiến cổ phiếu BMP (Nhựa Bình Minh) đứng trên bờ vực khi doanh nghiệp (DN) này đối mặt với khoản nợ thuế lớn.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mới đây cho thấy BMP đã giải quyết được phần nào trở ngại về vấn đề tài chính, như việc BMP gần như không phải đóng khoản phạt do vi phạm thuế, đồng thời khoản thuế TNDN truy thu cũng có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mức dự tính ban đầu.

Thêm vào đó, việc giai đoạn 1 của Nhà máy Long An hoạt động từ năm sau sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn do diện tích sản xuất hạn chế và quá tải công suất tại các nhà máy hiện hữu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho BMP thâm nhập sâu vào các thị trường mới như các tỉnh miền Tây và cao nguyên trước áp lực cạnh tranh của một số đối thủ mới.

Kết quả kinh doanh quý III có thể không đạt được như kỳ vọng của nhiều NĐT khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế (LNST) của BMP giảm khá mạnh do phát sinh một số chi phí bất thường.

Tuy nhiên, về cơ bản, kinh doanh cốt lõi hiện vẫn ổn định và đang có những chuyển biến tích cực. Với lịch sử chi trả cổ tức với tỷ lệ cao và đều đặn, cổ phiếu BMP thích hợp với các NĐT dài hạn và đầu tư giá trị.

Về dài hạn, việc SCIC thoái vốn tại BMP theo lộ trình cũng sẽ giúp cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu và giúp tăng tính hấp dẫn hơn đối với nhiều NĐT khác. Với kết quả đạt được, Công ty Chứng khoán VDSC đã đưa ra khuyến nghị nên mua dài hạn với cổ phiếu này.

Cũng gặp không ít khó khăn về tài chính trong nửa đầu năm, các DN dệt may thời điểm này đã ghi nhận kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan sau khi khép lại hội nghị các bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa qua ở Sydney (Úc) với một số bước tiến về vấn đề thuế quan.

Với 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may (9 tháng năm 2014) vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất TPP, ngành dệt may Việt Nam đang kỳ vọng rất nhiều vào việc TPP được ký kết.

Tính đến thời điểm này, nhiều DN dệt may niêm yết đã lần lượt công bố KQKD quý III. Trong đó, thống kê cho thấy, hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng khá về doanh thu cũng như LNST so với cùng kỳ năm trước với mức tăng doanh thu trung bình là 16% và LNST là 73%; riêng cổ phiếu TET ghi nhận doanh thu giảm 12% và KMR công bố LNST giảm 16%.

Các mã GIL, TET và KMR đều là các DN có quy mô sản xuất nhỏ và phụ thuộc nhiều vào sự biến động của đơn hàng nên ít hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của ngành. Đặc biệt, TNG có mức tăng trưởng LNST lên đến 89%, điều này lý giải phần nào việc giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi từ tháng 6 đến nay.

Nhìn chung, biên lợi nhuận gộp và biên LNST của các DN nêu trên có sự thay đổi không nhiều so với cùng kỳ do cơ cấu sản phẩm hầu như không thay đổi, tuy nhiên, ghi nhận rằng nỗ lực đầu tư cải thiện kinh doanh của các DN là rất lớn.

Về dài hạn, với triển vọng của ngành nhựa, dệt may Việt Nam, các cổ phiếu của ngành này còn nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là sau khi được giải quyết các vấn đề về thuế quan, NĐT có thể quay trở lại xem xét mua trong dài hạn đối với những cổ phiếu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều DN đã vượt qua trở ngại tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO