Nhà đầu tư nước ngoài còn ngần ngại

HỒ ĐẠT| 30/07/2009 08:37

Theo luật hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 30% trong một NH VN, 49% trong các công ty bảo hiểm, chứng khoán... Những quy định hiện hành có nhiều điều khiến nhà đầu tư còn ngần ngại.

Nhà đầu tư  nước ngoài còn ngần ngại

Trước những báo cáo vẫn đạt tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm 2009 của các ngân hàng (NH), công ty bảo hiểm cùng những diễn biến tốt của thị trường chứng khoán, các tổ chức đầu tư nước ngoài tiếp tục mua cổ phần của các ngành này. Tuy nhiên, những quy định hiện hành có nhiều điều khiến nhà đầu tư (NĐT) còn ngần ngại.

Lợi ích không cân bằng

Theo luật hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chỉ được sở hữu 30% trong một NH VN, 49% trong các công ty bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ. Theo ông Trần Anh Đức, đại diện Công ty Luật Vilaf, Nhà nước nên sửa đổi giới hạn sở hữu để các nhà ĐTNN tham gia nhiều hơn. Các nhà ĐTNN cho rằng, quỹ ĐTNN chỉ được sở hữu 5% cổ phần trong một NH VN là quá ít, không đáng cho họ quan tâm.

Ngân hàng vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm

Về giá cổ phiếu, khi DN nhà nước cổ phần hóa, giá bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược bằng với giá đấu giá bình quân. Nhiều NĐT than phiền, luật VN không mềm dẻo, linh hoạt, nếu xếp một NĐT chiến lược có thể đem lại lợi ích cho DN như công nghệ, tài chính, kỹ năng quản lý, marketing ngang hàng với NĐT cá nhân có vài cổ phiếu trong công ty, thì không khuyến khích NĐT chiến lược quan tâm mua cổ phần. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét sửa đổi quy định này cho hợp lý.

Hợp đồng mua bán cổ phần hoặc hợp đồng yêu cầu của cổ đông luôn có danh mục các vấn đề bảo lưu, trong đó có yêu cầu khi DN quyết định những vấn đề quan trọng thì phải tham vấn cổ đông nước ngoài hoặc được cổ đông nước ngoài chấp thuận. Nhà ĐTNN e ngại sau khi trở thành cổ đông rồi thì các DN VN lờ đi việc ấy. Cũng như DN VN thường chậm trễ trong việc phải công bố thông tin đầy đủ, có chất lượng và được cập nhật thường xuyên.

Rút khỏi danh sách cổ đông không dễ

Trong Nghị định 69/2007/NĐ-CP của Chính phủ về bán cổ phần của NH cho nước ngoài, có một số quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, cũng không hợp lý. Chẳng hạn, khi đã trở thành một cổ đông chiến lược của NH, thì trong 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần, và nếu không phải cổ đông chiến lược thì thời hạn bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần là 3 năm.

Thực tế khi NH vi phạm thỏa thuận này thì biện pháp của cổ đông là rút ra khỏi NH, chấm dứt hợp đồng mua bán cổ phần, chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Đây là quyền đương nhiên của cổ đông, nhưng luật VN lại hạn chế nên nhà ĐTNN rất khó có cách rút ra khỏi danh sách cổ đông của NH một cách hợp pháp.

Quy định về đồng tiền thanh toán, các văn bản luật lại mâu thuẫn với nhau: Luật Doanh nghiệp cho góp vốn bằng VN hoặc bằng ngoại tệ; còn Nghị định 109 của Chính phủ thì chỉ cho thanh toán bằng VN, ngoài ra, còn quy định nhà ĐTNN phải chuyển tiền vào tài khoản tại VN trong vòng 30 ngày kể từ ngày NH Nhà nước chấp thuận cho mua cổ phần.

Luật Cạnh tranh được soạn thảo đã lâu, nhưng một số vấn đề chưa được hướng dẫn rõ ràng và không còn phù hợp nữa. Ví dụ, mua lại DN được định nghĩa là mua toàn bộ hay chỉ mua một phần tài sản của DN khác đủ để kiểm soát toàn bộ hoặc một ngành nghề của DN bị mua lại, nhưng mua tài sản có được hiểu là mua cổ phần không? Và như thế nào mới là đến mức kiểm soát DN khác?

Theo Luật Cạnh tranh, các cổ đông có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan chiếm 30 - 50% chỉ cần thông báo cho Cục Cạnh tranh, còn nếu như chiếm trên 50% thì giao dịch đó bị cấm. Dùng công thức nào, số liệu nào để xác định thị phần kết hợp, xác định thế nào là thị trường liên quan?

DN sợ do chưa có nhiều kinh nghiệm, nếu như giải trình không tốt hay do cơ quan VN hiểu không đúng thì sẽ cho rằng giao dịch này dẫn đến thị trường kết hợp trên 50%. Một số trường hợp, NĐT muốn tham vấn cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, nhưng suy đi tính lại, do họ ở ngoài VN nên tốt nhất không tham vấn nữa, vì nếu tham vấn mà rủi ro bị tính thị phần lớn hơn 50% thì càng mất thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư nước ngoài còn ngần ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO