Nghề nhộn nhạo

23/02/2010 09:22

Đang có vị trí tốt tại một cơ quan Nhà nước, lương tháng không đến nỗi tệ, vẫn có thời gian kiếm thêm bên ngoài, bỗng dưng Xuân Quảng xin nghỉ việc ở nhà chơi chứng khoán.

Nghề nhộn nhạo

Đang có vị trí tốt tại một cơ quan Nhà nước, lương tháng không đến nỗi tệ, vẫn có thời gian kiếm thêm bên ngoài, bỗng dưng Xuân Quảng xin nghỉ việc ở nhà chơi chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư sống cùng hơi thở thị trường.

"Lương tháng 10 triệu không nuôi đủ vợ và hai con. Không đầu tư, kinh doanh lấy đâu tiền mua nhà cửa. Mà cứ làm chân trong chân ngoài cũng ngại, cả hai việc đều không thể làm tốt. Thôi thì tự nguyện thất nghiệp đi buôn chứng", Xuân Quảng vui vẻ khoe nghề mới.

Từ ngày nghỉ việc cơ quan, Xuân Quảng được ngủ dậy muộn hơn, đủ để bù cho nửa đêm thức trắng đọc tin tức, sục sạo các diễn đàn tài chính chứng khoán và bàn bạc kế hoạch cho phiên sáng hôm sau. 8 rưỡi, 9h, cả ba chiếc điện thoại di động của Xuân Quảng bắt đầu hoạt động hết công suất. Lúc rỗi rãi anh ra sàn đặt lệnh, hỏi thăm chiến hữu, nhưng phần lớn thời gian đều tác chiến tại nhà hoặc quán café thông qua điện thoại, chat.

Tiếng là "thất nghiệp" nhưng anh bận chẳng kém người đi làm, lúc nào cũng sục sạo tin tức, nghe ngóng động thái khắp nơi để phân tích, phán đoán đường tiến đường lui cho chuẩn. Cứ hôm nào thị trường có sóng lớn hoặc có nhiều cơ hội chinh chiến, đố ai thấy nick anh sáng đèn. Còn khi thị trường đìu hiu, chưa rõ phương hướng, Xuân Quảng chỉ giữ 20% cổ phiếu trong tài khoản, nick chat sáng rực với những câu khẩu hiệu chuẩn bị mở màn cho các trận đánh mới.

Cả năm rồi thị trường đầy biến cố, nhiều người tưởng kiếm bộn giữa năm bỗng chốc tiêu tan tài sản vào những tháng cuối. Xuân Quảng may mắn vẫn còn tiền đủ để tậu xe hơi và dư ra một chút gom cổ phiếu tốt, chờ thời. Với quan hệ rộng trong giới đầu tư, cùng kinh nghiệm 5 năm say chứng khoán, anh định sẽ làm đại lý nhận lệnh cho một công ty nào đó. Nhưng khi Ủy ban Chứng khoán có yêu cầu các công ty chứng khoán đóng cửa đại lý nhận định, anh lại tính kế phát triển dịch vụ tư vấn đầu tư, mơ tới ngày thị trường phát triển sẽ trở thành đơn vị ủy thác đầu tư chuyên nghiệp.

Ông Hà Hoài Nam - Chủ tịch KLS. Ảnh: N.T.

Bỏ nghề đi chơi chứng như Xuân Quảng giờ không phải hiếm. Không ít người, kể cả quý bà, quý cô đang công ăn việc làm ổn định bỗng dưng nghiện "sàn", nghiện "cổ", hễ ngồi với nhau là bàn chuyện xanh xanh đỏ đỏ, quay cuồng theo nhịp thở của thị trường.

"Nghề chứng khoán là một nghề cực kỳ nhộn nhạo nên mình phải tìm cách đứng cho chắc trước khi phát triển, nếu không thì… loạn", ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Kim Long tâm sự.

Ông Nam quyết định rời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bước vào ngành kinh doanh chứng khoán khi thị trường đang ở giai đoạn… tối thui (năm 2004). Vào thời điểm đó, không ít cán bộ của cơ quan này lựa chọn việc chuyển sang ngành khác chứ không tiếp tục với cái ngành mà tương lai cực kỳ mờ mịt.

Giải thích về lý do vẫn kiên trì bám trụ với chứng khoán, ông Nam nói: "Nói thực là mình cũng rất hoang mang bởi các công ty chứng khoán lúc đó cũng vẫn đang sống dặt dẹo, nhìn chưa thấy rõ đường. Nhưng bởi mình vẫn thích cái nghề này nên vẫn quyết tâm đi tìm…".

Tháng 8/2006, người ta thấy ông Nam "tái xuất giang hồ" với cương vị Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long. Ngoài ông Nam, hầu hết các lãnh đạo chủ chốt khác của KLS đều xuất thân từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

"Do mình và một số anh em làm nhà nước lâu nên khi ra kinh doanh cũng kém nhanh nhạy và kém quyết đoán hơn các công ty chứng khoán khác. Thế nhưng, bù lại thì cũng nhờ làm công chức mà mình làm cái gì cũng bài bản, có tính hệ thống", ông tâm sự.

Năm 2009, cuộc chiến thị phần môi giới giữa các công ty chứng khoán diễn ra cực kỳ khốc liệt, hầu hết các công ty đều đưa ra tuyệt chiêu thu hút khách VIP, "câu" môi giới VIP… Thế nhưng, KLS đứng ngoài lề cuộc đua này.

Dù không ghi điểm trên chiến trường môi giới năm 2009 nhưng ông Nam cùng đội ngũ của mình tại KLS đã hoàn tất một mục tiêu quan trọng: thành công trong việc đưa KLS gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỷ" (nhóm các công ty chứng khoán có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên). Ngoài ra, sau "cơn bạo bệnh" năm 2008, năm 2009 với 300 tỷ đồng tiền mặt còn lại, KLS ghi điểm rất lớn trong hoạt động tự doanh và đạt lợi nhuận sau thuế là 352 tỷ đồng.

"Cá nhân tôi nghĩ rằng, nghề nào mà quá êm đềm, bằng phẳng thì phải khuấy nó lên cho nhộn nhạo mới… vui. Còn với nghề chứng khoán thì nó đã quá nhộn nhạo rồi, nếu bản thân mình cũng thích phát triển nóng nữa thì rất khó quản lý quân mình, dễ sinh loạn. Vì thế, mình thích xu hướng bình ổn trong công ty, đứng cho chắc hơn là định hướng trở thành số 1, số 2. Mà đối với tôi, bình ổn được là phúc đức lắm rồi…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề nhộn nhạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO