Lãi suất ngân hàng: Lỏng cương nên khó giữ

Quỳnh Chi| 16/10/2009 00:03

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên mức lãi suất cơ bản đối với VND là 7%/năm trong tháng 10 nhưng từ đầu tháng đến nay, lãi suất huy động VND và USD vẫn tiếp tục tăng...

Lãi suất ngân hàng: Lỏng cương nên khó giữ

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên mức lãi suất cơ bản đối với VND là 7%/năm trong tháng 10 (lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức 10,5%/năm), nhưng từ đầu tháng đến nay, lãi suất huy động VND và USD vẫn tiếp tục tăng, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng tương ứng. Cuộc đua lãi suất trên thị trường tiền tệ hiện nay tuy chưa đến mức trầm trọng như cuộc khủng hoảng thanh khoản đầu năm 2008, nhưng theo nhiều chuyên gia, nó đã gây ra tâm lý không tốt và những xáo trộn trên thị trường.

Buộc phải tăng?

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tuần qua, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng lãi suất huy động VND ở kỳ hạn trên 12 tháng là 0,1 - 0,2%/năm; lãi suất USD tăng 0,2 - 0,5%/năm; nhóm NHTM cổ phần tăng lãi suất VND 0,1 - 0,3%/năm; USD: 0,1 - 0,2%/năm. Nhìn chung, mức lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường đã vượt lên 10%/năm. Nhận định tình hình này, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) nói rằng, từ trung tuần tháng 8 đến nay, một loạt NHTM vẫn tăng lãi suất huy động vốn.

GIao dịch tại ngân hàng Sacombank - Ảnh Quý Hòa

Bởi vậy, các NH khác không thể đứng yên trước xu hướng tăng lãi suất của NH khác, nếu không muốn mất khách hàng, đã góp phần tạo nên vòng xoáy tăng lãi suất. Các chỉ tiêu kinh doanh khả quan trong hai quý trước cũng giúp các NH mạnh tay hơn trong những quyết định tăng lãi suất huy động. Còn theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển, nên gánh nặng về nguồn vốn trung và dài hạn chủ yếu dồn lên vai các NHTM. Có tới 80% tổng số dư tiền gửi tại các NH là tiền gửi có kỳ hạn ngắn, dưới 6 tháng. Bởi vậy, áp lực trong cân đối nguồn vốn các kỳ hạn buộc các NH phải tăng lãi suất.

Khi lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay cũng tăng lên tương ứng. Hiện lãi suất cho vay VND phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng ở mức 12 - 16%/năm. Lãi suất cho vay USD tăng từ 0,5 - 1%/năm và đang phổ biến ở mức 3,5 - 7,5%/năm, tăng hơn 1% so với đầu năm.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia tài chính đã cảnh báo người dân nên xem xét thật kỹ những khoản vay tiêu xài thời điểm này. Bởi ngoài lãi suất cho vay tăng cao, nhiều NH vẫn áp dụng cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, với mức lãi suất công bố đương nhiên hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất vay dựa trên dư nợ thực tế. “NH nào cũng muốn tung ra các gói sản phẩm tiêu dùng hấp dẫn, các mức lãi suất "đẹp mắt" để thu hút khách hàng. Nhưng đối với các gói sản phẩm đó thì khách hàng nên nghiên cứu kỹ hợp đồng để thấy rằng, nếu mình không tuân thủ các điều khoản trong đó thì lãi suất không còn dừng ở mức 12 hay 13%/năm, mà có thể lên tới 14 hoặc 15%/năm", bà Vũ Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh bán lẻ của NH ANZ nói.

Thị trường tiền tệ có thể bị tổn thương

Có thể nói, việc các NHTM tăng lãi suất là dễ hiểu và có thể dự đoán được. Nhưng kết quả của việc này có thể sẽ gây ra những bất ổn tạm thời trong hệ thống NH, nên việc hạn chế các "cuộc đua" như thế là hoàn toàn cần thiết.

Nói như thế bởi báo cáo mới nhất về tình hình tiền tệ quý III được NHNN đưa ra cho thấy, tín dụng đối với nền kinh tế ước đến cuối quý III tăng khoảng 28% so với cuối năm 2008. Trong thời gian qua, khi lãi suất trên thị trường liên NH có dấu hiệu tăng, NHNN đã phải điều chỉnh lượng cung tiền qua thị trường mở. Theo nhận xét của một chuyên gia ngành NH, nếu các NH tiếp tục “tùy ý” điều chỉnh lãi suất với mục đích thu hút tiền gửi thì thị trường tiền tệ rất dễ bị tổn thương.

Chuyên gia tài chính NH Doãn Hữu Tuệ nói rằng, thông thường, tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng huy động vốn phải tương ứng để đảm bảo sự cân đối giữa đầu vào (huy động) và đầu ra (tín dụng). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần đây tăng trưởng huy động thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng lại cao. Có nhiều nguyên nhân để dòng tiền lưu chuyển không cân đối, trong đó có sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán và bất động sản.

TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng nói thêm, nếu cho vay nhiều mà không huy động được sẽ dẫn đến NH mất khả năng thanh khoản. Khi khả năng thanh khoản không còn, các NH lại lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ lạm phát quay trở lại. Những điều này vừa gây ra xáo trộn trên thị trường tiền tệ, vừa gây sức ép lên NHNN trong việc điều chỉnh lãi suất cơ bản mà nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chưa nên thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế mới hồi phục hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất ngân hàng: Lỏng cương nên khó giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO