Kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu

THÙY CHI| 23/07/2010 00:15

Cùng với chủ trương Chính phủ đưa ra là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, những ngày qua không ít ngân hàng đã tung ra chiến lược “chiêu dụ” nhà xuất khẩu vay vốn sản xuất, kinh doanh 5 tháng còn lại của năm.

Kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu

Cùng với chủ trương Chính phủ đưa ra là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu, những ngày qua không ít ngân hàng đã tung ra chiến lược “chiêu dụ” nhà xuất khẩu vay vốn sản xuất, kinh doanh 5 tháng còn lại của năm. Trong đó, không ít ngân hàng cho vay tín chấp hoặc ứng trước với giá trị lên đến gần 100% giá trị L/C và lãi suất thấp nhất so với các loại hình tín dụng khác.

Chẳng hạn tại Eximbank, để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vay vốn bằng VND với lãi suất ưu đãi, ngân hàng (NH) này tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng VND” với lãi suất ưu đãi áp dụng cho các DN xuất khẩu kể từ ngày 14/7 là 12%/năm, và dự kiến sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho chương trình này.

Ngày 15/7, Sacombank thông báo cho DN Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia được hưởng mức lãi suất ưu đãi tối thiểu là 12%/năm khi vay VND. Đồng thời khách hàng còn được giảm 30% phí chuyển tiền từ Việt Nam sang Campuchia từ nay đến hết 31/12/2010.

Thêm vào đó, các đối tác nhập khẩu của các DN này tại Campuchia cũng được hưởng cơ chế lãi suất vay ưu đãi bằng USD tối thiểu 8%/năm (mức lãi suất vay USD trung bình tại thị trường Campuchia hiện từ 10 - 12%/năm).

Còn HDBank cho vay tín chấp xuất khẩu với lãi suất 12%/năm. Theo đó, căn cứ vào hợp đồng ngoại (hợp đồng xuất khẩu) và các hình thức thanh toán sẽ có mức tài trợ khác nhau lên đến 90% giá trị L/C cho hình thức thanh toán L/C và 80% giá trị hợp đồng đối với thanh toán khác L/C ( D/P, D/A, CAD)...

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc NH ACB, cho biết, đang từng bước điều chỉnh lãi suất thỏa thuận cho DN xuất khẩu vay, vì đây là đối tượng khách hàng mục tiêu trong tăng trưởng tín dụng năm nay của ACB.

Tương tự, Vietinbank chi nhánh TP.HCM ngày 15/7 cũng đưa ra chương trình hỗ trợ vốn giá rẻ cho các DN xuất khẩu. Theo đó, các DN sản xuất, kinh doanh, chế biến hàng xuất khẩu đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của NH sẽ được duyệt cho vay.

Trong đó Vietinbank tập trung vào ba đối tượng khách hàng là các DN thuộc ngành xuất khẩu mũi nhọn, trọng điểm, gồm: nông, lâm, thương nghiệp, hải sản, cao su, dệt may; các DN xuất khẩu thuộc thế mạnh kinh tế địa phương, các làng nghề; các DN xuất khẩu sang các thị trường thuộc mọi ngành nghề..., và sẽ cho vay với lãi suất thấp hơn 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của NH.

So với cuối tháng trước, lãi suất cho vay thỏa thuận của các NH hiện đã giảm 1 - 1,5%/năm. Nhưng trong đó, mức lãi suất cho vay thấp nhất 12 - 12,5%/năm chỉ dành cho vay phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và DN nhỏ và vừa. Hiện các DN thuộc lĩnh vực xuất khẩu là đối tượng khách hàng được các NH quan tâm đặc biệt nên “bơm” mạnh vốn giá rẻ.

Các NH kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu vì cho rằng nhu cầu vốn của DN sẽ tăng khi lãi suất giảm xuống. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện nay, nhất là khi khu vực châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ công Hy Lạp lan rộng, khiến các DN xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn.

Ông Hoàng Văn Điều, Tổng giám đốc Công ty CP Văn hóa Tân Bình, cho biết, với mức lãi suất hiện nay chúng tôi vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện vay vốn NH. Nguyên nhân là Công ty chủ yếu xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu, mà hàng hóa sản xuất ra lại chưa thể tiêu thụ được qua thị trường này.

Mặt khác, các NH cũng cho biết, nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ của DN xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhằm muốn giảm áp lực lãi suất và giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Vì thực tế, vay ngoại tệ vẫn có lợi hơn nhiều về lãi suất, cho dù lãi suất thỏa thuận vay tiền đồng đã giảm so với cuối tháng trước.

Cụ thể, vay vốn bằng ngoại tệ, DN chỉ phải trả 3,8 - 7%/năm, trong khi dù lãi suất thỏa thuận vay tiền đồng đã giảm sâu, nhưng DN xuất khẩu vẫn phải trả 12 - 13%/năm. Hiện các NH, nhất là những đơn vị đã mạnh tay cho vay vốn bằng ngoại tệ trong hai quý đầu năm, đang chọn lọc kỹ các đối tượng khách hàng muốn vay vốn bằng USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ vọng vào tín dụng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO