Hiệu ứng “thấm đòn” dây chuyền

QUỲNH VŨ| 08/08/2012 04:29

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ những công ty lớn như Vinamilk, Masan Group, phần lớn các công ty đều công bố lỗ sau khi trích lập dự phòng.

Hiệu ứng “thấm đòn” dây chuyền

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ những công ty lớn như Vinamilk, Masan Group, phần lớn các công ty đều công bố lỗ sau khi trích lập dự phòng. 

Đọc E-paper

Khát vốn và ách tắc trong luân chuyển dòng tiền là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh không sáng sủa của DN trong quý này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã có nhiều kỳ vọng trước đó nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng (NH) đến tháng 7/2012 chính thức âm 0,03% so với ngày 31/12/2011.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 7 phản ánh tình hình này khi giảm từ mức 46,6 điểm trong tháng 6 xuống 43,5 điểm trong tháng này. Đây hiện là mức giảm thấp nhất kể từ thời điểm bắt đầu khảo sát PMI vào tháng 4/2011.

Một số công ty đứng vững trong các năm trước về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thì nay cũng chịu ảnh hưởng nhiều do giá vốn hàng bán, hàng tồn kho đều tăng cao, như Kinh Đô (KDC), Bibica (BBC), Tập đoàn Thái Hòa (THV)... Riêng Thái Hòa, trong bối cảnh tiêu thụ cà phê khó khăn, công ty này còn chịu gánh nặng nợ vay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng do đầu tư mạnh vào các dự án trồng cà phê, cao su nhưng chưa mang lại lợi nhuận.

Trong các nhóm lỗ, khối DN ngành xây dựng, vật liệu xây dựng được xem là nhóm ngành có số DN lỗ nhiều nhất tính đến tháng 8/2012. Ví dụ, Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã báo lỗ lên đến gần 300 tỷ đồng trong quý này. Trong báo cáo tài chính, hàng tồn kho của PVX tăng từ 275 tỷ đồng của đầu năm lên đến 408 tỷ đồng. Nợ phải trả là hơn 4.200 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Động thái cắt giảm việc làm và số lượng hàng hóa mua vào cho thấy các DN đang lo ngại nhu cầu sẽ không thể phục hồi trong thời gian ngắn hạn. Tồn kho hàng mua cũng giảm đi đáng kể. Cùng lúc đó, giảm tồn kho hàng hóa cũng vẽ nên một bức tranh tương lai không mấy khả quan của các nhà quản lý.

Bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện Thành phố, cũng chia sẻ, dù cơ khí điện được TP.HCM xác định là 1 trong 4 ngành mũi nhọn, nhưng sản phẩm trong ngành không tiêu thụ được. Do vậy, một số ngành sản xuất ra ngành tiêu dùng buộc phải tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lại sản xuất để tìm đầu ra.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Thành phố, ông Bùi Quang Hải, đồng quan điểm khi nói rằng: “Sản xuất cho thị trường trong nước khá trì trệ, tồn kho nhiều. Các DN trong ngành không chỉ kỳ vọng NH giảm lãi suất, mà còn mong muốn NH hỗ trợ thêm lãi suất cho khách hàng mua hàng cơ khí”.

Hiện đã có 609 trong 702 DN nộp báo cáo tài chính quý II cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chưa soát xét (hạn chót nộp báo cáo này là ngày 20/7 vừa qua), như vậy, còn 100 DN chưa nộp báo cáo quý II. Và như thường lệ, số lượng DN lỗ thường xuất hiện nhiều trong các báo cáo nộp trễ. Vì vậy, con số công ty thua lỗ trong quý II có thể chưa dừng lại.

Sức tiêu thụ hàng hóa chậm khiến DN không còn quan tâm nhiều đến việc lãi suất đã thực giảm. “Cái DN cần hiện nay chính là cơ hội kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm chứ không hẳn là lãi suất cao hay thấp. Từ đó, lãi suất 14% DN chưa chắc đã tính đến chuyện vay tiền.

Giả sử, nếu có vay thì cũng chỉ áp dụng vào đầu tư ngắn hạn, còn đầu tư trung và dài hạn thì mức lãi suất trên vẫn đang còn khá bấp bênh”, ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Thanh Bình, cho biết.

Theo các DN, thông tin Thống đốc NH Nhà nước cho biết sắp tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm giúp DN hồ hởi hơn và tìm cách tiếp cận nguồn vốn NH nhưng kết quả không như ý muốn. Lý do, lãi suất giảm nhưng chỉ những DN cần vốn để đảo nợ, cơ cấu nợ cũ mới mừng, chứ đối với những DN dùng vốn để đầu tư sản xuất thì tiếp cận được nguồn vốn thời điểm này lại là chuyện khác.

Ông Bùi Quốc Lợi, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Minh Giao, chia sẻ, mới đây công ty được NH thông báo nếu vay với lãi suất mới thì mức ưu đãi chỉ 13 - 14%/năm. Tuy nhiên, đơn đặt hàng trong bối cảnh hiện nay không nhiều nên phải cân nhắc trước khi vay.

Theo đánh giá của HSBC, một gói kích thích kinh tế tương tự như gói đã thực hiện vào năm 2009 khó có thể được sử dụng lại. Lý do thứ nhất, lạm phát cao trong năm 2011 đã làm cho tín dụng không còn là một giải pháp hấp dẫn, đặc biệt khi đa số tín dụng đều được rót vào những lĩnh vực kém hiệu quả.

Lý do nữa là các biện pháp kích thích tài chính cho nền kinh tế thông qua chi tiêu Chính phủ đã không còn hấp dẫn khi các nhà làm chính sách vừa mới đây thông báo một chiến lược mới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như tăng cường hiệu quả của đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng “thấm đòn” dây chuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO