Ghìm cương tỷ giá

QUỲNH VŨ| 19/07/2013 09:16

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định tỷ giá tăng nhẹ không phải do hiện tượng khan hiếm ngoại tệ nhưng trên thực tế, tình trạng hai tỷ giá đang bắt đầu quay lại.

Ghìm cương tỷ giá

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định tỷ giá tăng nhẹ không phải do hiện tượng khan hiếm ngoại tệ nhưng trên thực tế, tình trạng hai tỷ giá đang bắt đầu quay lại.

Đọc E-paper

Ngân hàng gom USD

Bình thường, nếu ngoại tệ ngoài thị trường tự do so với giá niêm yết USD trong ngân hàng (NH) chênh lệch từ 100 - 200 VND/USD trở lên đã có dấu hiệu căng thẳng.

Trong những ngày qua, mức chênh lệch này có khi lên đến 500 - 700 VND/USD. Giải thích hiện tượng này, đại diện NHNN khẳng định đó chỉ là yếu tố tâm lý chứ thực tế các nhu cầu về ngoại tệ chính đáng của DN cũng như người dân đều được đáp ứng đầy đủ, không có tình trạng từ chối hoặc không đáp ứng được.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trạng thái ngoại tệ của các NH hiện tương đối tốt, đảm bảo cho hoạt động của các NH trôi chảy và bình thường.

"Chúng tôi theo dõi rất sát diễn biến của thị trường ngoại tệ tự do cũng như diễn biến về trạng thái ngoại tệ của NH. NHNN cũng theo dõi sát sao cung - cầu về ngoại tệ của nền kinh tế cũng như khả năng đáp ứng ngoại tệ cho DN và người dân và thực tế cho thấy, cung về ngoại tệ vẫn đáp ứng được cầu, không có hiện tượng khan hàng. NH vẫn đáp ứng đủ cầu ngoại tệ cho cả DN nhập khẩu", ông Minh khẳng định.

NHNN đã giảm mạnh trần lãi suất huy động USD đối với tổ chức và dân cư (còn lần lượt 0,25% và 01,25%/năm). Điều chỉnh này có thể sẽ tác động đến cơ cấu dòng tiền gửi trong hệ thống. Lãnh đạo Vụ Chức năng của NHNN cho biết, hướng dịch chuyển tiền gửi từ VND sang ngoại tệ có dấu hiệu dừng lại trong tháng 5 và 6 vừa qua, được xem là một biểu hiện bước đầu sau tác động của việc hạ trần lãi suất USD.

Nhưng rõ ràng, diễn biến thực tế của thị trường cho thấy tình trạng hai tỷ giá đang lặp lại. Theo các chuyên gia, lý do gây ra biến động tỷ giá không hoàn toàn chỉ mang yếu tố tâm lý mà là nhu cầu về USD tăng cao trong thời gian qua.

Một số lãnh đạo NH cũng thừa nhận tăng trưởng tín dụng thấp khiến việc dư thừa tiền đồng là rất lớn. Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải chuyển đổi tiền đồng sang ngoại tệ để xử lý vấn đề dư thanh khoản tiền đồng. Xu hướng này làm tăng đáng kể cầu USD trên thị trường.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh tiền tệ của HSBC Vietnam phân tích, tín dụng tăng chậm, trong khi các NHTM được phép duy trì trạng thái ngoại tệ 20% tổng vốn tự có. Theo đó, các NHTM có xu hướng chuyển từ trạng thái âm USD trước đó sang trạng thái dương USD.

Việc chuyển đổi này của các NH nhằm phục vụ mục đích riêng nhưng quan trọng nhất vẫn là do lãi suất cho vay tiền đồng hiện rất thấp. Ví dụ, bên cạnh việc không cho vay được trên thị trường 1, ở thị trường 2 (liên NH) lãi suất tiền đồng có thời điểm giảm còn 0,8% trong khi lãi suất cho vay USD cao hơn, ở mức 2%. Do đó, phần lớn các NH đều chọn mua ngoại tệ để cân đối các khoản tín dụng cho vay.

Quả vậy, điều này giải thích vì sao giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên NH mấy ngày qua khá sôi động. Các NHTM đã tự cân đối, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng trên thị trường liên NH. Cụ thể, các NHTM đã trở lại giao dịch trong khuôn khổ của thị trường này, trong phạm vi biên độ của quy định hiện hành khiến nhu cầu về USD tăng đột biến.

Chiều ngày 11/7, NHNN và lãnh đạo của 14 ngân hàng thương mại lớn nhất trong hệ thống đã có cuộc họp định hướng ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, tập trung xử lý vấn đề dư thanh khoản tiền đồng.

Ngay trong ngày, nhiều ngân hàng đã rút đơn xin mua ngoại tệ trực tiếp từ NHNN và động thái này khiến tỷ giá USD/VND của các NHTM sau đó đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Doanh nghiệp chịu hai tỷ giá

Chính hiện tượng USD chảy ngược vào NH nên nguồn cung USD ra thị trường đáp ứng nhu cầu cho khách hàng bị thu hẹp. Theo phản ánh của nhiều người, việc mua USD tại NH đang rất khó khăn.

Đối với khách hàng cá nhân, người mua phải chứng minh được mục đích sử dụng. Hơn nữa, số lượng USD bán ra còn tùy mục đích. Ví dụ, mục đích đi du lịch thì người mua chỉ được NH giải quyết bán tối đa 100 USD/ngày.

"Thông thường, NH bán USD cho người dân rất khó khăn. Nhưng có điều lạ là cũng NH đó, tôi có thể mua số lượng tùy thích tại những đại lý đổi tiền ở sân bay mà họ không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Điều kiện duy nhất là mình chấp nhận mua USD với giá cao hơn giá niêm yết tại NH", chị Thu Lan, vừa có chuyến du lịch Thái Lan, chia sẻ.

Với DN, mọi chuyện cũng không khá hơn. Nhiều DN phản ánh rằng thời điểm này đặt vấn đề mua USD tại NH thường bị từ chối khéo, một số khác đưa ra mức giá cao gần bằng với giá trên thị trường tự do. Đó là chưa kể các NH còn đòi DN phải chứng minh mục đích mua ngoại tệ có chính đáng hay không bằng cách thẩm định hợp đồng mua bán hàng hóa, giấy hẹn trả tiền theo hợp đồng.

Thậm chí, để mua được USD trong NH, DN phải có tài khoản ngoại tệ mở tại NH để NH chuyển khoản trực tiếp chứ không giao tiền mặt... Chính sự phức tạp đó, khi cần nguồn tiền gấp, nhiều DN cho biết họ buộc phải mua USD với giá thỏa thuận hoặc mua trên thị trường tự do.

Theo các chuyên gia, về mặt tính toán thuần túy, nếu so sánh tỷ giá song phương thực giữa VND và USD thì VND vẫn đang bị định giá cao hơn giá trị thực khoảng 20%. Do đó, nhiều người vẫn kỳ vọng vào USD khiến thị trường ngoại tệ luôn căng thẳng.

Trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm, tín dụng bằng USD giảm mạnh, đến gần 9,4% so với cuối năm 2012. Do đó, nhiều quan điểm cho rằng cơ quan điều hành phải kiểm soát được kỳ vọng về sự mất giá của VND nhằm hỗ trợ cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, vấn đề nhập lậu vàng đang hút lượng lớn nguồn ngoại tệ. Lý do giá vàng trong nước vẫn cao hơn so với thế giới, có thời điểm lên đến 7 triệu đồng/lượng.

"Dù rằng việc nhập lậu vàng có quy mô nhỏ hơn so với trước đây là vì kể từ khi NHNN ban hành Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng nhưng việc nhập lậu vẫn không thể tránh khỏi. Điều này gây áp lực lên tỷ giá, ảnh hưởng rất lớn đến những DN xuất nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm", một chuyên gia nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghìm cương tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO