Diễn biến tỷ giá còn nhiều bất ngờ

10/04/2010 08:38

Kiều hối, FDI và nguồn tín dụng ngoại tệ được cải thiện trong thời gian qua đã phần nào giúp hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ giá vẫn là bài toán khó với kinh tế Việt Nam trong năm 2010.

Diễn biến tỷ giá còn nhiều bất ngờ

Kiều hối, FDI và nguồn tín dụng ngoại tệ được cải thiện trong thời gian qua đã phần nào giúp hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ giá vẫn là bài toán khó với kinh tế Việt Nam trong năm 2010.

Từ cuối 2009 đến nay, tỷ giá chính thức của đồng Việt Nam so với đôla đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh 2 lần về biên độ và tỷ giá công bố. Sự điều chỉnh này khiến đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 8,86% so với USD, đồng thời, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do có lúc từng lên tới trên 1.000 đồng mỗi USD, đã được thu hẹp.

Tính riêng trong ngày 9/4, tỷ giá phổ biến được các ngân hàng thương mại công bố là 19.080 đồng đổi một USD trong khi trên thị trường tự do, giá bán ra đôla Mỹ cũng chỉ ở mức 19.130 đồng mỗi USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây có thể coi là một thành công của các cơ quan quản lý khi điều chỉnh tỷ giá theo hướng phản ánh sát quan hệ cung cầu, làm giảm được sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Trong vài tuần gần đây, tỷ giá trên cả thị trường chính thức và tự do còn có xu hướng giảm.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh

Đà giảm giá của đôla Mỹ, theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) có nguyên nhân từ nguồn cung ngoại tệ đã được cải thiện phần nào trong thời gian qua. “Luồng tiền từ nước ngoài đổ về Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2010 tương đối lớn. Giải ngân FDI cao. Thu hút kiều hối, theo báo cáo của các địa phương, cũng không bi quan như dự tính. Đó là chưa kể luồng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản hay các kênh khác mà cơ quan quản lý khó có thể đo đếm được”, ông Ánh cho biết.

Một nguồn ngoại tệ khác, theo ông Ánh, đến từ chính hệ thống tín dụng khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay USD để đối phó với tình trạng vay lãi cao bằng đồng Việt Nam (có khi 16-20%), nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay bằng ngoại tệ với lãi suất 6-6,5%.

“Lượng tiền này không được các doanh nghiệp sử dụng để nhập khẩu mà bán lại trên thị trường trong nước để lấy đồng Việt Nam. Nguồn cung tăng góp phần kéo tỷ giá hối đoái xuống”, tiến sĩ Ánh giải thích.

Đôla tạm thời xuống giá có thể có lợi cho doanh nghiệp nhưng theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh và nhiều chuyên gia khác, việc không đo lường được luồng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế có thể gây ra những diễn biến “bất ngờ” về tỷ giá trong thời gian tới, trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng một trong những yếu tố tác động lớn tới tỷ giá là vấn đề trung chuyển dòng ngoại tệ. Tại Việt Nam, quá trình này rất phức tạp, không chỉ trong quan hệ giữa trong nước và quốc tế mà còn ở ngay trong nội tại nền kinh tế.

“Việt Nam là một nền kinh tế đôla hóa rất cao nên người dân dễ dàng dịch chuyển từ tài sản đánh giá bằng đồng nội tệ sang tài sản đánh giá bằng ngoại tệ, bao gồm cả vàng. Quá trình này có diễn ra mạnh mẽ hay không phụ thuộc nhiều vào niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính, vào đồng tiền. Như vậy, việc giữ được lạm phát ở mức thấp hay không sẽ tác động lớn đến tỷ giá”, ông Thành nói.

Tiến sĩ Võ Trí Thành

Trong trường hợp lạm phát tăng cao, lượng đôla bị găm giữ trong nền kinh tế nhiều khả năng cũng sẽ gia tăng. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ hạn chế rất nhiều tính hiệu lực của chính sách tiền tệ khi Chính phủ không thể kiểm soát được cung tiền cho nền kinh tế. Hiện tượng đôla hóa nền kinh tế, khi đó, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng trăn trở về vấn đề sử dụng đôla trong nền kinh tế nội địa, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra con số 9,7 tỷ USD vốn vay nước ngoài đã chảy vào Việt Nam trong năm 2009 nhưng không xuất hiện trong các tài khoản ngân hàng mà “bốc hơi” trong nền kinh tế. Con số này theo tiến sĩ Doanh, đang “nằm trong túi người dân và được người dân sử dụng làm phương tiện dự trữ”.

“Điều này cho thấy Việt Nam không thiếu ngoại tệ nhưng lại là một nền kinh tế rất thiếu thanh khoản về ngoại tệ. Niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, nếu không được cải thiện thì mọi nỗ lực bình ổn kinh tế đều không thể đi đến kết quả cuối cùng”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định.

Riêng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm nay, các chuyên gia đều cho rằng ngoài công cụ tỷ giá, cơ quan quản lý nhà nước phải kết hợp linh hoạt các chính sách tiền tệ khác như lãi suất, cung ứng tiền tệ, chi đầu tư từ ngân sách... Do mỗi công cụ này chỉ giải quyết được mục tiêu và thường đem lại những hệ quả khó lường nên đây thực sự là một bài toán không dễ giải các nhà hoạch định chính sách trong năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn biến tỷ giá còn nhiều bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO