Đầu năm 2017, thanh khoản dồi dào, tỷ giá tăng nhanh

LÊ PHAN| 15/02/2017 03:34

Dòng tiền quay lại ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết dài giúp thanh khoản của hệ thống tiếp tục dồi dào.

Đầu năm 2017, thanh khoản dồi dào, tỷ giá tăng nhanh

Theo cập nhật trên website của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 8/2/2017 đã giảm về còn 2,11%, đánh dấu mức giảm mạnh so với mức cao trên 5% trước thời điểm Tết Nguyên đán. Dòng tiền đã quay lại ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết dài, giúp thanh khoản của hệ thống tiếp tục dồi dào. 

Đọc E-papper

Tiền vào nhiều, tiền ra ít

Tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tại nhiều ngân hàng liên tục tăng từ đầu tháng 2 đến nay. Đây cũng là diễn biến thường thấy của mọi năm, khi dòng tiền rút ra kinh doanh, tiêu dùng trước dịp Tết đã quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, dòng vốn đầu ra tín dụng của các ngân hàng thường rất thấp trong những tháng đầu năm, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong thời điểm đầu năm thường thấp, trong khi nhiều khách hàng kiêng kỵ việc vay mượn ngay đầu năm mới.

Trong bối cảnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào trở lại. Điều này đã giúp lãi suất trên thị trường 2 liên tục rơi về mức thấp. So với mức cao từ 4 - 5% trong suốt tháng 1 vừa qua thì lãi suất vay qua đêm giữa các ngân hàng đã giảm mạnh về còn 2,11% vào ngày 8/2/2017, trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm xuống mức thấp hơn. Giá trị giao dịch cũng giảm so với giai đoạn trước đó.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, trong ngày 7/2, NHNN đã thu hút 13.400 tỷ đồng qua tín phiếu, cùng 36.111 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố, tổng lượng hút ròng lên tới 49.511 tỷ đồng. Và sau khi liên tục hút ròng về từ đầu tháng 2 đến nay, tổng lượng vốn hỗ trợ cho hệ thống qua kênh cầm cố đã giảm về còn 175.714 tỷ đồng tính đến ngày 7/2, giảm hơn 82.000 tỷ so với mức 257.941 tỷ đồng thời điểm 2/2.

>>Động lực cho cổ phiếu ngân hàng năm 2017

Trên thị trường trái phiếu, nhu cầu đấu thầu của các tổ chức tín dụng sôi động trở lại, phản ánh tình hình thanh khoản dồi dào của các ngân hàng. Cụ thể, tính từ đầu ngày 2/2 đến đầu ngày 13/2, đã diễn ra 6 phiên đấu thầu trái phiếu với tổng giá trị gọi thầu 11.000 tỷ đồng, tổng giá trị đăng ký đấu thầu của các tổ chức gấp 2,7 lần giá trị gọi thầu, lên đến hơn 30.000 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu là 10.815 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ đấu thầu thành công lên đến 98,3%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thành công trong tháng 1 là 46,6% - thời điểm thanh khoản của các ngân hàng chịu nhiều áp lực.

Với thanh khoản dồi dào trở lại tại các ngân hàng, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm về mức thấp sẽ giúp các ổn định được lãi suất huy động, từ đó ổn định chi phí vốn đầu vào để duy trì biên lợi nhuận và có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

NHNN gần đây cũng cho biết sẽ cố gắng giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2017 để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Đây cũng là định hướng xuyên suốt với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 5%.

Tỷ giá tăng nhanh

Tỷ giá trung tâm USD/VND đến ngày 13/2/2017 được NHNN niêm yết ở 22.234 đồng, tăng 32 đồng so với đầu tháng và tăng 75 đồng, tương ứng mức tăng 0,34% so với đầu năm. Nếu nhìn vào mức giảm 35 đồng so với đầu năm của cùng kỳ năm 2016, thì rõ ràng mức tăng của tỷ giá trung tâm trong 2 tháng đầu năm nay là đáng chú ý.

Trên thị trường thế giới, đồng USD đang tăng trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể chỉ số USD Index hiện đã tăng trở lại gần mốc 101, sau khi đã rớt về dưới 100 trong cuối tháng 1 vừa qua. Những quyết sách không đoán trước được của Tổng thống Donald Trump tiếp tục khoét sâu sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, trong khi thông tin trước đó cho thấy ông Trump muốn xây dựng chính sách đồng USD yếu để hỗ trợ thương mại, và đây cũng là nguyên nhân gây áp lực lên đồng USD trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, với tình hình lạm phát đang tăng trở lại và giá vàng trong nước tăng mạnh thời gian qua đã hỗ trợ đồng USD tăng giá so với VND. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,46% so với tháng trước, là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. So với cùng kỳ năm 2016, CPI tháng 1/2017 tăng đến 5,22%. Trong khi đó, giá vàng trong nước trước sự hỗ trợ đi lên của giá vàng thế giới và nhu cầu tăng cao đầu năm cũng đã tăng mạnh những ngày đầu tháng 2.

>>Vàng có là kênh trú ẩn an toàn?

Việc Mỹ đơn phương rút khỏi TPP và có xu hướng thiết lập chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ khó khăn hơn, trong khi nguồn vốn FDI vào Việt Nam để đón đầu TPP có thể bị chững lại. Và khi đó, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng.

Ngược lại, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục làm đảo ngược dòng vốn trên thế giới, và gây áp lực lên dòng vốn ngoại tệ của những thị trường mới nổi như Việt Nam.

Với khả năng thị trường ngoại hối sẽ có diễn biến phức tạp và chịu nhiều áp lực trong năm 2017, nhà điều hành chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm ngay từ đầu năm có thể giúp dàn trải áp lực lên thị trường cung cầu ngoại tệ, thay vì điều chỉnh mạnh trong những thời điểm căng thẳng như giai đoạn trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu năm 2017, thanh khoản dồi dào, tỷ giá tăng nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO