Đại hội cổ đông thành sàn mua bán doanh nghiệp

21/03/2012 07:54

Sự tập trung của nhà đầu tư vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay đang tăng lên vì sự kịch tính của nó. Tại thời điểm thị trường chứng khoán đang nổi lên như một trung tâm môi giới, việc mua bán - sáp nhập lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Đại hội cổ đông thành sàn mua bán doanh nghiệp

Sự tập trung của nhà đầu tư vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay đang tăng lên vì sự kịch tính của nó. Tại thời điểm thị trường chứng khoán đang nổi lên như một trung tâm môi giới, việc mua bán - sáp nhập lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Vụ "ép hôn" được cho là đình đám nhất trong thời gian qua giữa EIB và STB dường như đã có sự đồng thuận.

Nhận ủy quyền với 51% vốn tại STB thì EIB có được lợi thế nhất định trong quá trình chinh phục đối phương. Nhiều nhà đầu tư đã có chiều suy nghĩ về một "siêu đám cưới" sau khi ĐHCĐ của STB kết thúc.

Không mang tính chất ép buộc như thương vụ trên, mới đây ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã chủ động công bố việc tìm "bạn đời" trong thời gian tới.

Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, nếu đại hội đồng cổ đông của DongA Bank vào cuối tháng 3 này thông qua, DongA Bank sẽ tính đến việc kết hợp với một ngân hàng khác.

Việc "góp gạo thổi cơm chung" với một đối tác được ban lãnh đạo ngân hàng nhận định là cơ hội để phát triển nhanh hơn. Mặc dù tìm kiếm được đối tác thỏa mãn không phải là một sớm một chiều, nhưng sau khi ĐHCĐ kết thúc thì chắc hẳn nhà băng này sẽ có kế hoạch cụ thể hơn.

Cách đây chưa lâu, "scandal tình ái" giữa HBB và SHB đã thực sự tạo nên dư luận trên TTCK. Mặc dù cả hai nhân vật trên đều đã bác bỏ những thông tin trên, nhưng "đòn gió" tung ra trước đó đã góp phần tích cực cho cả hai tăng thanh khoản dữ dội trên thị trường.

Thêm vào đó "cuộc tình tay ba" của SCB đến nay đang tỏ ra hạnh phúc thì động lực cho các nhà băng nhỏ khác tìm đến với nhau hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết sắp tới cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc bàn bạc việc mua bán. Phần lớn vẫn là các doanh nghiệp có quan hệ bằng hữu từ trước và tự nguyện đến với nhau. Và cách thức cũng tiết kiệm hơn so với tầng lớp "đại gia", chủ yếu các doanh nghiệp này đều thông qua hình thức hoán đổi cổ phần.

Tại ĐHCĐ ngày 22/3 sắp tới, Công ty cổ phần Sông Đà 6 (SD6) sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập Công ty cổ phần Sông Đà 6.04 (S64) vào SD6. Trong nội dung tờ trình về việc này, Công ty dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập theo hình thức hoán đổi cổ phần với tỷ lệ hoán đổi S64 và SD6 là 1:0,9 tức 1 cổ phần S64 đổi lấy 0,9 cổ phần SD6.

Nghị quyết ĐHCĐ năm 2012 của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), đã được đại hội thông qua phương án sáp nhập FLC Land vào FLC với tỷ lệ 1 cổ phiếu FLC Land đổi được 1,18 cổ phiếu FLC. Theo FLC, việc sáp nhập sẽ giúp nâng mức vốn điều lệ của FLC lên 771,8 tỷ đồng.

Hiện tại mùa ĐHCĐ doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi động và nghị quyết của rất nhiều đại hội có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập. Kế hoạch có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

Nhưng câu hỏi sẽ đặt ra rằng sau đại hội phải chăng sẽ là "mùa cưới" của doanh nghiệp?

Với hàng loạt chính sách tung ra hỗ trợ cho đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước đã phần nào đạt được mục đích trong vai trò "chủ hôn."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại hội cổ đông thành sàn mua bán doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO