Cộng dồn sức ép

QUỲNH CHI| 07/01/2010 00:38

Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% từ ngày 1/1/2010 khiến hầu hết các ngân hàng đã chạm trần lãi suất huy động 10,5% thêm khó khăn, kéo theo sự đình trệ về vốn vay doanh nghiệp.

Cộng dồn sức ép

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% từ ngày 1/1/2010 khiến hầu hết các ngân hàng (NH) đã chạm trần lãi suất huy động 10,5% thêm khó khăn, kéo theo sự đình trệ về vốn vay doanh nghiệp. Quan tâm tới thắt chặt tín dụng lại là vấn đề nóng của năm nay.

Nặng nề 2009

Lãi suất huy động vốn cao nhất hiện nay vẫn ở mức 10,49%/năm. Nếu cộng gộp các khoản thưởng, khuyến mãi... thì lãi suất đã tiệm cận mức 12%/năm. Theo đà tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, thời điểm này, dù doanh nghiệp có đồng ý vay vốn với lãi suất cao đi nữa, thì vì nhiều lý do, các ngân hàng vẫn trả lời là tạm dừng cho vay.

Ảnh Quý Hòa

Không trả lời chính thức trước vấn đề tạm dừng cho vay nhưng nhiều ngân hàng như An Bình, SeaBank, SCB, Miền Tây..., thậm chí cả những ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank và ACB... đều thừa nhận, họ đang thận trọng hơn trước thực tế tăng trưởng tín dụng đã đạt và vượt mức đề ra. Trong khi đó, huy động vốn khó khăn nên phải ưu tiên cho an toàn và không loại trừ những chuẩn bị để đối phó với chính sách biến động trong thời gian tới.

Có nhiều lý do để các ngân hàng tạm dừng cho vay. Đó là tăng trưởng tín dụng đã quá cao nên buộc phải tập trung thu hồi nợ. Theo thông điệp của NHNN, năm 2010, tăng trưởng tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ bằng khoảng 2/3 so với năm nay. Cụ thể, NHNN sẽ khống chế tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng khoảng 25% trong 2010, thấp hơn nhiều so với mức 37,73% năm 2009.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu vào đang rất hạn chế dù lãi suất đã tăng lên. Huy động vốn từ nhiều tháng trước đã thấp hơn tăng trưởng, nên các ngân hàng phải tập trung lo đảm bảo thanh khoản hơn là phát triển tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng dừng cho vay vì có tâm lý chờ biến động lãi suất mới. Kỳ vọng lớn nhất là lãi suất cơ bản có thể tăng thêm 0,5 - 1% trong đầu năm 2010.

Hệ lụy 2010?

Một số người cho rằng, việc kiểm soát dư nợ tín dụng 25% trong năm 2010 đối với nền kinh tế của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng với định hướng tăng trưởng GDP tới 6,5% thì đây là con số cần phải cân nhắc. Theo ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả của Bộ Tài chính, năm 2010, nền kinh tế có lạm phát hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thắt chặt tín dụng chỉ là một phần trong quản lý tổng thể.

Chẳng hạn, đồng USD tăng lên cũng sẽ giúp hạn chế việc tái lạm phát của Việt Nam. Vì khi đồng USD tăng giá trị thì giá của các mặt hàng ở nước ngoài sẽ không tăng nên giá các mặt hàng Việt Nam nhập về cũng sẽ không tăng. Thêm vào đó, nếu Việt Nam có điều chỉnh tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD thì cũng sẽ không đi ngược với xu hướng chung của thế giới.

Thực vậy, vấn đề mà cả ngân hàng và doanh nghiệp quan tâm hiện nay không phải là mức thắt chặt tín dụng tới đâu, mà chính là những hệ lụy mà hoạt động này mang lại. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đã quá cẩn trọng trước nguy cơ lạm phát trở lại mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc tăng trưởng tín dụng 2009 quá nóng, bỏ xa mức 30% mà cơ quan này đặt ra.

Nguyên nhân là cung ứng tiền mặt được kiểm soát có thể kiềm chế lạm phát, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, điều đó có thể khiến nhiều hoạt động khác chịu ảnh hưởng tương ứng. Đầu tiên là các nhà đầu tư ngắn hạn quen “lướt sóng” chứng khoán và căn hộ chung cư sẽ ngán ngẩm bởi cơ hội “ấm lên” như kỳ vọng sẽ không còn. Sau nữa là các doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu, vận tải, dịch vụ... sẽ phải tiếp tục gồng mình. Còn theo GS.TS.Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tăng trưởng tín dụng mức 30 - 40% không phải là điều đáng lo ngại nhất mà vấn đề là các ngân hàng có tiền để cho vay hay không? Và kiểm soát con số này như thế nào thì hợp lý. Bài học năm 2007 vẫn còn đó khi tăng trưởng tín dụng lên đến 53%, tiền đổ ào ào vào các lĩnh vực đầu tư chứa đựng nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Tính đến nay, chưa hề có con số thống kê nào chính thức về việc hỗ trợ và kiểm soát dòng vốn kích cầu năm 2009, nhưng việc ngân hàng đang thiếu vốn là có thật. Bởi trên thực tế, gói hỗ trợ lãi suất chưa hết đã xuất hiện dấu hiệu thiếu thanh khoản tại một số ngân hàng thương mại khi liên tục đưa ra các chiêu thưởng để lách trần lãi suất huy động 10,5%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 26/2009/TT-NHNN quy định việc mua - bán ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định tại văn bản số 2578/TTg-KTTH ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và không phải là tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho TCTD được phép hoạt động ngoại hối và được quyền mua lại ngoại tệ trong phạm vi số ngoại tệ đã bán từ TCTD để phục vụ nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp lý. Bảy tập đoàn, tổng công ty thuộc diện theo quy định trên gồm Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam và Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Các nguồn ngoại tệ phải bán cho TCTD bao gồm ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn gửi tại TCTD tại thời điểm ngày 31/12/2009; ngoại tệ thu được từ nguồn thu vãng lai từ ngày 1/1/2010.

Thông tư này cũng quy định các các nguyên tắc, thủ tục, quy trình thực hiện việc mua ngoại tệ giữa TCTD và doanh nghiệp; vai trò của NHNN trong việc xử lý mua - bán ngoại tệ của TCTD với doanh nghiệp. Quy định các nguyên tắc, thủ tục doanh nghiệp được mua lại ngoại tệ từ TCTD trong phạm vi số ngoại tệ đã bán cho TCTD để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng dồn sức ép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO